Gần trọn đời người gắn bó với sự nghiệp trồng người, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Trần Đình Sửu, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) luôn được các thế hệ đồng nghiệp quý trọng bởi nhân cách, lối sống và những tâm huyết, trách nhiệm to lớn của thầy đối với sự nghiệp giáo dục trên vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng..
Suốt chặng đường gần 40 năm gắn bó với ngành, trong đó 17 năm ở cương vị Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc, NGƯT Trần Đình Sửu đã có nhiều đóng góp trong công tác phổ cập giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Những nỗ lực của thầy cũng đã góp phần đưa ngành giáo dục Can Lộc trở thành tập thể xuất sắc trong suốt 15 năm liên tục, trong đó có 3 năm học (2003-2004, 2004-2005, 2012-2013) được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc; năm học 2000-2001 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Thầy Sửu kể về quá trình gắn bó với ngành giáo dục Can Lộc
Là người con của vùng quê Thanh Giang (Thanh Chương - Nghệ An), năm 1975 sau khi tốt nghiệp Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Vinh, thầy Trần Đình Sửu được phân công về Can Lộc dạy học tại Trường cấp 3 Dân chính. “Ngày ấy, sức khỏe yếu, nhận công tác xa nhà tôi không khỏi băn khoăn. Thế nhưng mảnh đất ân tình này đã trở thành quê hương thứ 2, nơi tôi đã gắn bó và cống hiến gần trọn cuộc đời”, thầy Sửu chia sẻ.
Vượt qua muôn vàn gian khó, từ những ngày đầu trên bục giảng, thầy Sửu đã tràn đầy nhiệt huyết, say mê trong từng tiết học, đồng thời không ngừng học hỏi, nghiên cứu để nâng cao năng lực, trình độ. 3 năm sau nhận công tác, thầy đã được công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh và được Trưởng ty Giáo dục Nghệ Tĩnh tặng giấy khen. Năm 1986, thầy được điều lên Phòng GD&ĐT huyện giữ cương vị Phó Thư ký Công đoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn, rồi bổ được bổ nhiệm Phó Trưởng phòng vào năm 1990 và đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng từ năm 1996 đến tháng 12/2013.
“Đây là giai đoạn khó khăn của toàn ngành nói chung và ngành giáo dục Can Lộc nói riêng khi hầu hết ở các địa phương, trường lớp xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nơi vẫn còn phòng học bằng tranh tre nứa lá. Công tác phổ cập giáo dục còn hạn chế, tình trạng tái mù chữ vẫn tồn tại, số học sinh trong độ tuổi chưa đi học, hoặc bỏ học vẫn lên đến con số hàng ngàn em” - thầy Sửu nhớ lại.
Thầy giáo Trần Đình Sửu luôn ghi nhớ và cụ thể hóa lời dạy của Bác Hồ vào giáo dục.
Những tháng ngày khó khăn ấy, chủ trương của Đảng, Nhà nước về huy động xã hội hóa, xây dựng trường chuẩn quốc gia đã trở thành “kim chỉ nam” để người “thủ lĩnh” của ngành vững bước. Nhiều giải pháp đã được thầy Sửu trăn trở tìm tòi, triển khai và đã mang lại hiệu quả như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các tiêu chí trường chuẩn quốc gia đến tận cán bộ, giáo viên và Nhân dân, chủ động tham mưu, tranh thủ sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trong mọi việc lớn nhỏ, thầy Sửu luôn cho rằng, người đứng đầu phải biết tạo phong trào, phải biết “thổi những luồng gió mới”, tạo động lực và khát vọng cho cán bộ, giáo viên; luôn gương mẫu đi đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể. Phải lấy cái tâm, cái đức làm đầu, đặt lợi ích của tập thể trên lợi ích của cá nhân.
Thầy giáo Trần Đình Sửu cùng ngành giáo dục Can Lộc, Hội Khuyến học và Cựu Giáo chức huyện đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương, tỉnh, huyện.
Sự tận tâm, tận tụy, tâm huyết của người đứng đầu đã góp xây dựng và nhân rộng những điển hình như: thị trấn Nghèn, Trung Lộc, Thiên Lộc, Quang Lộc, Yên Lộc..., làm nên những ngôi trường khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy, học trong tình hình mới.
Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, viết sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên đồng thời được phát động sâu rộng. Bằng nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, trong đó vai trò chủ lực là đội ngũ giáo viên, hàng chục lớp xóa mù, lớp phổ cập đã được mở khắp các địa bàn, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Can Lộc trở thành huyện đi đầu trong phong trào xóa mù chữ, phổ cập bậc tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2004, phổ cập bậc trung học THCS năm 2002, phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi năm 2012.
Niềm vui, hạnh phúc của thầy giáo Trần Đình Sửu là được chứng kiến sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sự đổi thay ở những mái trường.
Bài học về việc phát huy sức mạnh tổng hợp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để xây dựng trường chuẩn của người đứng đầu ngành trong thời kỳ gian khó là thành quả quý giá cho những thế hệ kế cận.
Cô Nguyễn Thị Hường - Trưởng phòng GD&ĐT Can Lộc cho biết: "Từ nền tảng, từ cách làm của thầy Sửu, đến nay, việc huy động nguồn lực để củng cố xây dựng cơ sở vật chất trường lớp của ngành giáo dục vẫn luôn được sự quan tâm, đồng hành của huyện, của các cấp chính quyền và người dân. Bình quân mỗi năm, giáo dục Can Lộc được đầu tư nguồn lực hơn 100 tỷ đồng. Nhờ thế, trường học ngày càng khang trang, tỷ lệ trường chuẩn trên địa bàn đạt 92,3%. Chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh”.
Suốt 8 năm nay, căn phòng nhỏ giản dị của Hội Khuyến học trong khuôn viên trụ sở khối dân huyện Can Lộc đã trở thành nơi gắn bó thân thuộc của thầy Sửu. Tại đây, những kế hoạch, những chương trình hoạt động để thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài trên vùng quê cách mạng đã được Chủ tịch hội Trần Đình Sửu cùng với ban chấp hành hội bàn bạc, hoàn thiện từ ý tưởng và triển khai thực hiện.
Trần Đình Sửu cùng với ban chấp hành hội lên kế hoạch, chương trình hoạt động để thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài.
Ngay sau ngày nghỉ hưu, năm 2014 thầy Sửu quyết định tiếp nhận nhiệm vụ mới với suy nghĩ: còn sức khỏe sẽ còn cống hiến cho giáo dục. Cho đến nay đã ở tuổi 70, sức khỏe giảm sút nhưng lời hứa làm tròn nhiệm vụ cùng với mong muốn xây dựng một xã hội học tập, giúp đỡ, tiếp sức cho những học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn luôn thôi thúc những bước chân bền bỉ của ông giáo già.
“Làm khuyến học cũng là làm giáo dục. Việc huy động nguồn lực, gây quỹ để hỗ trợ, động viên, học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích tốt trong dạy và học cũng là cách tạo điều kiện cho giáo dục phát triển”- thầy Sửu tâm đắc chia sẻ.
Để giúp đỡ thêm nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, năm 2017, thầy cùng với đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác khuyến học trên địa bàn thành lập Quỹ Nhân ái cùng em đến trường. Ngay đợt kêu gọi đầu tiên, thầy đã trích lương hưu 3 triệu đồng và huy động nguồn lực từ chính gia đình mình cho quỹ.
Đến nay, sau 5 năm thành lập và đi vào hoạt động, trung bình mỗi năm quỹ đã trích khoảng 300 triệu đồng cho hoạt động tặng quà, hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Cũng từ đó, hoạt động khuyến học ở Can Lộc được lan tỏa, tiếp sức bởi sự vào cuộc rộng lớn của các cấp ngành, tổ chức, cá nhân với các quỹ chung sức khuyến học như: Quỹ Khuyến học bà Cẩn; Quỹ Khuyến học Trần Đình Trấp; Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học…
Thầy Sửu chia sẻ về công tác khuyến học, khuyến tài
Hội Khuyến học Can Lộc luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh, nhiều năm được UBND tỉnh, Trung ương hội khuyến học và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Nói về những cống hiến của thầy Trần Đình Sửu đối với ngành giáo dục Can Lộc, thầy Phan Văn Định - Thường trực Hội Khuyến học huyện chia sẻ: “Thầy Sửu hiền lành đức độ, sống mẫu mực, giản dị và thanh bạch, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trên quê hương Can Lộc. Nhân cách, lối sống của thầy đã ảnh hưởng rất nhiều đến cán bộ, giáo viên, đó cũng là yếu tố để thầy luôn được mọi người yêu thương, tôn trọng”.
Thầy Sửu vẫn thường xuyên đến thăm các trường học trên địa bàn để tìm hiểu về những học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bước sang tuổi thất thập cổ lai hy nhưng thầy Trần Đình Sửu vẫn thường xuyên đến thăm các trường học trên địa bàn để tìm hiểu về những học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; trao đổi, chia sẻ với đội ngũ cán bộ, giáo viên những kinh nghiệm trong giảng dạy, quản lý.
Mỗi chuyến đi của thầy là thêm những niềm vui được chứng kiến sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sự đổi thay ở những mái trường. Thầy hạnh phúc bởi những nỗ lực, tâm huyết dành cho sự nghiệp giáo dục, của ngành, của các thế hệ đi trước đang được thế hệ tiếp nối giữ gìn và phát huy.