Đội rà phá bom mìn lưu động toàn nữ ở tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Reuters)
Nguyen Thi Ha Lan – người phụ trách y tế và an toàn trong đội các “cô gái bom mìn” Quảng Trị chăm chú giám sát các đồng đội của mình chuẩn bị kích nổ một quả bom chùm còn sót lại từ cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc vào năm 1975.
Khi cả đội cho biết đã sằn sàng phá hủy quả bom, Lan cảnh báo mọi người tránh xa hiện trường. Một tiếng còi báo động lớn vang lên, theo sau là tiếng nổ đinh tai, mặt đất rung chuyển.
Lan là thành viên của một đội rà phá bom mìn lưu động (EOD) toàn nữ đầu tiên của Việt Nam, được thành lập vào tháng 10/2018 bởi Dự án “Phục hồi Môi trường và Khắc phục Hậu quả Chiến tranh” (RENEW), một tổ chức chuyên loại bỏ bom mìn chưa phát nổ (UXO) ở tỉnh Quảng Trị.
Dự án RENEW do chính quyền tỉnh Quảng Trị thành lập vào năm 2001 và nhận tài trợ từ 17 tổ chức đoàn thể, trong đó có Bộ Ngoại giao Mỹ và Unicef.
Quảng Trị là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh và là tỉnh đứng đầu cả nước về mức độ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính 10% trong tổng số khoảng 80 triệu tấn bom đạn được quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến ở Việt Nam không phát nổ.
Chân dung của Lan và các đồng nghiệp đã được khắc họa trong bài viết đăng trên hãng tin tức uy tín của Anh Reuters ngày 6/3 mang tiêu đề: “Gặp đội nữ rà phá bom mìn chưa nổ của Việt Nam” .
Riêng với cá nhân Lan, việc trở thành một phần của đội nữ rà phá bom mìn gồm 16 thành viên này có một ý nghĩa rất đặc biệt.
Năm 12 tuổi, bà Hoa – mẹ Lan – bị mất cả hai chân và một cánh tay do vấp phải một UXO khi đang chơi ở sân trước. Người phụ nữ đáng thương sau đó đã phải dành phần lớn cuộc đời mình trên chiếc xe lăn. Tuy vậy, bà Hoa vẫn có thể nuôi nấng và dạy bảo hai chị em Lan trưởng thành.
Em trai của Lan hiện cũng là thành viên hoạt động tích cực của một nhóm EOD khác cũng thuộc dự án RENEW.
“Công việc hiện tại mang đến cho tôi một cuộc sống ổn định. Những đứa trẻ có thể chơi xung quanh tôi trên mảnh đất Quảng Trị và trên khắp Việt Nam”, cô nói.
Bà Hoa, mẹ Lan – bị mất cả hai chân và một cánh tay do vấp phải một UXO năm 12 tuổi. (Ảnh: Reuters)
Theo thống kê, chỉ tính riêng tại tỉnh Quảng Trị, đã có hơn 8.500 người thương vong trong các vụ tai nạn có liên quan đến UXO. Gần một phần ba các nạn nhân là những đứa trẻ nhầm lẫn các quả bom chùm, có kích thước chỉ nhỏ bằng quả bóng tennis, là thứ để chơi.
Các đội EOD như đội của Lan đã giúp dọn sạch hơn 5.600ha tại mảnh đất đầy nắng, gió ở miền Trung Việt Nam này.
Rà phá bom là một công việc vất vả và nguy hiểm. Có những ngày, các đội EOD phải làm việc dưới cái nắng như thiêu đốt và nhiệt độ có thể lên đến 42 độ C. Những người phụ nữ như Lan chấp nhận làn da đen sạm để hoàn thành công việc, cho dù họ đã cố gắng sử dụng rất nhiều kem chống nắng.
Đội trưởng Nguyen Thi Thuy đánh giấu những khu vực đã rà phá trên bản đồ ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Reuters)
“Thật vinh dự khi được khoác trên mình bộ đồ bảo hộ này mỗi ngày. Vậy nên, dù chúng tôi không thể trang điểm hay mặc những chiếc váy đẹp như những người phụ nữ khác, ai cũng cảm thấy tự hào từ tận đáy lòng”, Lan nói.
Lan cũng chia sẻ trân quý tình bạn giữa những người đồng đội của mình khi mọi người cùng nhau làm việc trong điều kiện nguy hiểm.
Hiện đội của Lan vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Vào tháng 8/2018, hơn 1.400 vật liệu chưa nổ được tìm thấy nằm sâu dưới lòng đất Quảng Trị, tuy nhiên, tin mừng là tỉnh này năm ngoái chưa ghi nhận vụ tai nạn nào liên quan đến bom, mìn sau chiến tranh.
Hiện, Quảng Trị đang hướng đến mục tiêu năm 2025 là tỉnh đầu tiên trong cả nước “an toàn” không chịu tác động của bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.