Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Cùng tham dự sự kiện có lãnh đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các bên đối tác quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã biểu dương những đóng góp hết sức có ý nghĩa của ngành dầu khí Việt Nam, Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long - đơn vị phát triển dự án mỏ Sư Tử Trắng, Lô 15-1 và các bên đối tác quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn coi trọng việc thúc đẩy, phát triển các ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao, trong đó có ngành cơ khí chế tạo phục vụ lĩnh vực dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí tiếp tục chú trọng đầu tư, nâng cao tiềm lực, khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh tối đa thị phần dịch vụ trong nước, hỗ trợ trực tiếp cho công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí – đây là lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế, chuyển giao công nghệ, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế để phát triển dịch vụ dầu khí chất lượng cao theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Tập đoàn cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ mô hình, tổ chức và hiệu quả hoạt động của Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long, để từ đó đề xuất những cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả các dự án hợp tác khai thác dầu, khí giữa Tập đoàn, các công ty thành viên của Tập đoàn với các đối tác quốc tế.
Đối với Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long và các bên đối tác, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải tiếp tục bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình khai thác mỏ, đặc biệt tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công nghệ nhằm tối ưu hoá sản xuất, giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí, Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long và các bên đối tác cùng thực hiện nghi thức đón dòng dầu đầu tiên từ mỏ Sư Tử Trắng - Lô 15.1. - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Dự án mỏ Sư Tử Trắng, Lô 15-1 do Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (CLJOC) phát triển.
Công ty được thành lập theo Hợp đồng dầu khí Lô 15-1 thuộc thềm lục địa Việt Nam, ký ngày 16/9/1998. Phía Việt Nam tham gia 50% vốn góp, gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP). Phía nước ngoài tham gia 50% vốn góp, gồm Tập đoàn Dầu khí ConocoPhillips (23,25%), Tổng Công ty dầu khí quốc gia Hàn Quốc (KNOC-14,25%), Tập đoàn SK Corporation (9%), Công ty Geopetrol Vietnam (3,5%).
Với sự kiện đón dòng khí đầu tiên từ mỏ Sư Tử Trắng theo đúng kế hoạch phê duyệt, bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả, tổng sản lượng khai thác toàn Lô 15.1 đã đạt gần 70.000 thùng dầu quy đổi/ngày.
Trước đó, vào tháng 6/2016, CLJOC cũng đã đạt mốc 300 triệu thùng dầu khai thác được tại cụm mỏ Sư Tử Lô 15.1, trở thành công ty khai thác dầu khí thứ hai tại Việt Nam (sau Vietsopetro) đạt mốc sản lượng này.
Thành công của việc khai thác dầu, khí tại cụm mỏ Sư Tử Lô 15.1 đã góp phần quan trọng vào việc bổ sung sản lượng khai thác chung của toàn ngành, chiếm 10,7 % sản lượng khai thác năm 2016 của toàn Tập đoàn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tổng sản lượng khai thác năm 2016 của cả Tập đoàn Dầu khí đạt 27,84 triệu tấn dầu quy đổi.
Đồng thời, những kết quả rất tích cực trong khai thác dầu khí cũng đã giúp tăng lợi ích kinh tế cho các bên tham gia trong Hợp đồng Dầu khí Lô 15-1. Qua đó, khẳng định sự hợp tác thành công giữa Việt Nam và các đối tác nước ngoài, thể hiện chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nhà đầu tư nước ngoài trong hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.
Việc đưa vào khai thác thành công sản phẩm khí thương mại từ mỏ Sư Tử Trắng đã khẳng định năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của các đơn vị trong nước. Toàn bộ quy trình từ khâu chế tạo, thi công, lắp đặt, hoàn thiện và vận hành sản xuất đều được thực hiện bởi các nhà thầu tư vấn thiết kế trong nước với tiến độ, chất lượng bảo đảm, giá cả cạnh tranh.
Với kinh nghiệm tích luỹ được qua dự án này, các nhà thầu Việt Nam như Công ty Cơ khí Hàng hải thuộc Tổng công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC), Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế dầu khí, Công ty Technip Việt Nam đã mở ra hướng phát triển dịch vụ kỹ thuật cao trong lĩnh vực thăm dò khai thác.