Chiều 26/4, đồng chí Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng đô thị văn minh, Chương trình OCOP Hà Tĩnh và đồng chí Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị triển khai thực hiện việc đỡ đầu, tài trợ tại các xã chưa đạt chuẩn NTM tại huyện Hương Khê. Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền; Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân; Đại tá Lê Hồng Nhân - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Đại tá Lê Khắc Thuyết – Giám đốc Công an tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu. |
Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Trần Huy Oánh báo cáo về thực trạng và một số giải pháp để các xã, thôn còn lại của Hương Khê đạt chuẩn NTM.
Đến nay, huyện Hương Khê còn 8 xã chưa đạt chuẩn NTM. Trong đó, các xã Hương Bình, Hương Thủy, Phúc Đồng, Hòa Hải hiện đã chạm chuẩn 20/20 tiêu chí, đang trình các cấp thẩm định. Các xã Hương Lâm, Hương Liên, Điền Mỹ, Hà Linh mới chỉ đạt từ 10 - 12 tiêu chí. Một số tiêu chí có khối lượng công việc cần thực hiện lớn.
Theo rà soát, kinh phí để thực hiện các tiêu chí ở các xã chưa đạt chuẩn NTM ở Hương Khê còn rất lớn: 1.346,7 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí xác định là 329,3 tỷ đồng, nguồn chưa xác định là 1.017,4 tỷ đồng.
Cụ thể: về tiêu chí giao thông cần 1.142,1 tỷ đồng (đã xác định 328,1 tỷ đồng; chưa xác định 814 tỷ đồng); tiêu chí y tế - văn hóa - giáo dục cần 73,6 tỷ đồng (đã xác định 1,2 tỷ đồng; chưa xác định 72,4 tỷ đồng); lĩnh vực kinh tế cần khoảng 101 tỷ đồng (chưa xác định nguồn); tiêu chí môi trường cần 15 tỷ đồng (chưa xác định nguồn); tiêu chí chất lượng môi trường sống cần 15 tỷ đồng (chưa xác định nguồn)…
Bí thư Huyện ủy Hương Khê Lê Ngọc Huấn nêu một số khó khăn trong thực hiện các tiêu chí NTM trên địa bàn.
Nhằm hỗ trợ các địa phương đạt chuẩn NTM cũng như để Hương Khê đạt chuẩn NTM cấp huyện, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao và chấp thuận cho hơn 60 tổ chức, đơn vị đỡ đầu, tài trợ 8 xã chưa đạt chuẩn NTM tại huyện Hương Khê và 50 thôn chưa đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu tại 8 xã này.
Theo đó, các tổ chức, đơn vị, tổ chức sẽ ký kết và có kế hoạch đỡ đầu, tài trợ các địa phương (hoàn thành trước 10/5/2022); thành lập tổ công tác chuyên trách để chung tay giúp địa phương tháo gỡ khó khăn; xây dựng lộ trình và triển khai thực hiện bằng các hoạt động thiết thực theo từng tiêu chí. Chủ động khâu nối, kêu gọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí.
Đại tá Lê Khắc Thuyết – Giám đốc Công an tỉnh: Các sở, ngành theo lĩnh vực phụ trách cần đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện ở từng địa phương.
Đối với các xã, thôn cần xác định và chủ động thực hiện các phần việc trong khả năng. Phát động các phong trào ra quân thực hiện xây dựng NTM theo từng chủ đề.
Huyện Hương Khê chỉ đạo các xã, thôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đỡ đầu thực hiện hiệu quả công tác đỡ đầu. Huy động các địa phương khác hỗ trợ, đồng hành với 8 xã chưa đạt chuẩn.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, Hương Khê là địa bàn khó khăn, phong trào xây dựng NTM vẫn còn một số hạn chế trong khi các tiêu chí đòi hỏi nguồn lực lớn. Việc đỡ đầu, hỗ trợ các địa phương trong xây dựng NTM là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn với người dân và các địa phương.
Các đơn vị được giao đỡ đầu sẽ bắt tay vào cuộc, triển khai nhiệm vụ cụ thể để đồng hành cùng địa phương. Các sở, ngành theo lĩnh vực phụ trách cần đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện ở từng địa phương. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải huy động người dân thật sự vào cuộc, là chủ thể trong phong trào xây dựng NTM.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân: Bên cạnh việc đỡ đầu, hỗ trợ, các địa phương phải tuyên truyền, vận động người dân vào cuộc, cùng thực hiện các tiêu chí, khi đó, NTM mới thực sự bền vững, thiết thực.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đồng tình với cách làm huy động các đơn vị, tổ chức đỡ đầu các địa phương chưa đạt chuẩn tại Hương Khê của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng đô thị văn minh và Chương trình OCOP tỉnh. Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của các địa phương và người dân, đồng thời sẽ góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh NTM trong năm 2025 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đặt ra.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị huyện Hương Khê và các xã tuyên truyền để người dân nhận thức rõ nội dung, ý nghĩa của công tác đỡ đầu xây dựng NTM. Đặc biệt, phải huy động người dân vào cuộc, nỗ lực thực hiện những nội dung, phần việc có thể làm được; các cấp, ngành chỉ hỗ trợ những phần việc ngoài khả năng.
Quá trình xây dựng NTM, ngoài nâng cao đời sống vật chất, tinh thần còn phải nâng cao tính tự chủ, độc lập của người dân trong công cuộc xây dựng NTM, để NTM trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của mỗi người dân.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng lưu ý: Các đơn vị, tổ chức và các địa phương cũng cần xây dựng khung tiến độ, phân công nhiệm vụ rõ ràng của thôn, xã và của đơn vị đỡ đầu; định kỳ giám sát tiến độ để bổ cứu kịp thời những nội dung chưa hoàn thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: Để hoàn thành kế hoạch 100% số huyện đạt chuẩn vào năm 2023 đòi hỏi các xã cuối cùng của tỉnh chưa đạt chuẩn NTM ở huyện Hương Khê phải đạt chuẩn trong năm 2022. Tuy nhiên, những địa phương này là những xã khó khăn của tỉnh, địa bàn rộng, mật độ dân cư thấp; việc hoàn thành các tiêu chí cần nguồn lực lớn để triển khai. Vì vậy, cả hệ thống chính trị ở tỉnh, huyện phải cùng vào cuộc, đồng hành, gỡ khó các tiêu chí để hỗ trợ các xã, thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Hương Khê cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ xây dựng NTM là trách nhiệm của từng người dân; các sở, ngành, tổ chức, đơn vị của tỉnh sẽ đỡ đầu, tài trợ những tiêu chí khó ngoài khả năng của địa phương. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các xã phải quyết liệt, quyết tâm, hết mình vì phong trào xây dựng NTM.
Giao trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, đơn vị nhận đỡ đầu, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị cần làm việc trực tiếp với từng xã, thôn để rà soát lại từng tiêu chí khó cần đỡ đầu; từ đó xây dựng chương trình cụ thể để triển khai theo từng tuần, từng tháng. Văn phòng NTM chủ trì phối hợp kiểm tra, đánh giá kết quả đỡ đầu NTM của từng đơn vị và tiến độ triển khai từng tiêu chí ở các xã để báo cáo Ban Chỉ đạo; phấn đấu 31/12 năm nay, 100% số xã ở huyện Hương Khê đạt chuẩn NTM.