Những ngày này, đoàn viên thanh niên của Hải đội 102 - Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 (đóng ở Nghi Xuân) đang phối hợp thực hiện nhiều hoạt động tình nguyện hè sôi nổi, ý nghĩa. Dự kiến từ 31/5 – 31/8, những người lính trẻ sẽ nỗ lực đưa các nội dung chính của Luật Cảnh sát biển đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn đóng quân.
Để nâng cao hiệu quả truyên truyền, các chiến sĩ đã lồng ghép với công tác dân vận và tham gia các hoạt động phát triển KT-XH, xây dựng NTM, chỉnh trang đô thị văn minh, đảm bảo ANTT, chăm lo an sinh xã hội...
Thiếu tá Nguyễn Văn Thiệu - Chính trị viên phó Hải đội 102 cho biết: “Để đưa Luật Cảnh sát biển vào cuộc sống, đơn vị thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành, địa phương, trường học ở Hà Tĩnh. Từ khi luật có hiệu lực đến nay (năm 2019), đơn vị đã tổ chức 92 đợt tuyên truyền trực tiếp trên bờ cho hơn 23.000 lượt người dân, học sinh và hơn 100 lượt trên biển cho 10.000 ngư dân đang làm việc trên 1.500 phương tiện. Qua đó, giúp người dân từng bước tiếp cận các nội dung cơ bản của 8 chương, 41 điều trong Luật Cảnh sát biển để nâng cao nhận thức pháp lý, huy động sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, giữ gìn ANTT trên biển và nâng cao khả năng quản lý, bảo vệ biển”.
Trong quá trình đưa Luật Cảnh sát biển vào cuộc sống, Nghi Xuân được đánh giá là địa phương thực hiện tốt nhất trong toàn tỉnh. Ông Trần Hoàng Thạch - Trưởng phòng Tư pháp huyện Nghi Xuân cho biết: “Trong 5 năm qua, chúng tôi đã nghiên cứu, biên soạn gần 150 tài liệu, cấp phát hơn 2.000 tờ rơi, cấp 50 đầu sách, 20 đĩa DVD và xây dựng hàng chục ngăn sách pháp luật. Huyện cũng đã chủ động phối hợp với Hải đội 102, Đồn Biên phòng Lạch Kèn và các đơn vị khác tổ chức gần 1.000 cuộc tuyên truyền Luật Cảnh sát biển cho khoảng 15.000 lượt người và thực hiện hàng nghìn lượt tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh cơ sở”.
Ngư dân Nguyễn Văn Dũng ở xã Xuân Hội (chủ tàu HT 90467 TS) cho biết: “Tàu chúng tôi thường xuyên đi đánh bắt xa bờ dài ngày nên việc được tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật, nhất là về Luật Cảnh sát biển có ý nghĩa rất quan trọng. Nó giúp chúng tôi hiểu được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam và tự tin hơn khi bám biển vươn khơi bởi không lo bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp. Ngoài ra, được tiếp cận Luật Cảnh sát biển cũng giúp chúng tôi có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn, không sử dụng các hình thức đánh bắt bị cấm, tuân thủ luật pháp quốc tế, có ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Cùng với Nghi Xuân, các huyện ven biển như Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh; các sở, ngành như: Tư pháp, GD&ĐT, Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh... đều đã vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả để đưa Luật Cảnh sát biển vào thực tiễn. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò, vị trí của lực lượng cảnh sát biển trong thực thi pháp luật, nâng cao công tác phòng chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trên biển; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng biện pháp pháp luật; bảo vệ tài nguyên - môi trường, tính mạng và tài sản của ngư dân...
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển đã được Hà Tĩnh thực hiện linh hoạt, đa dạng về hình thức như: tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, phát tờ rơi, tặng sách pháp luật, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, phát trên loa phát thanh cơ sở, các cuộc thi "rung chuông vàng"... Đáng nói hơn, hoạt động tuyên truyền Luật Cảnh sát biển được gắn liền với công tác tuyên truyền, vận động ngư dân không đánh bắt bất hợp pháp, không đánh bắt bằng chất cấm, phải khai thác đúng vùng quy định, không gây rối mất ANTT trên biển.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đinh Văn Hồng thông tin: “Công tác tuyên truyền Luật Cảnh sát biển đã được các cấp, ngành, đơn vị trong toàn tỉnh quan tâm thực hiện khá đồng bộ, trách nhiệm và hiệu quả. Từ năm 2019 đến nay, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Hội Luật gia tỉnh, BĐBP tỉnh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 1 tổ chức 15 cuộc tập huấn tại các xã ven biển, in ấn hơn 20 nghìn tờ gấp, hơn 3 nghìn cuốn tài liệu chung, 600 cuốn luật và 500 cuốn tài liệu hỏi đáp để cấp phát miễn phí cho cơ sở.
Cùng với hàng trăm tin, bài, phóng sự đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Tư pháp cũng phối hợp tuyên truyền trực tiếp cho hơn 4.000 ngư dân đang làm việc trên 1.000 tàu cá. Ngoài ra, ở cấp huyện và cấp xã cũng đã tổ chức hơn 300 hội nghị tập huấn, tuyên truyền trực tiếp và cấp phát 105 nghìn tài liệu có liên quan cho hàng chục nghìn người”.