Đức Thọ hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ

(Baohatinh.vn) - Huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Thừa Thiên Huế) đã thông qua biên bản hợp tác đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn giai đoạn 2024 - 2028.

Vừa qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đoàn lãnh đạo, các hộ sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của huyện Đức Thọ đã có chuyến tham quan, học tập và ký kết hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm về xây dựng chuỗi mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2024 - 2028. Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, các thành viên trong HĐQT tiếp và làm việc với đoàn.

A4.jpg
Đoàn công tác huyện Đức Thọ tham quan Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm

Đoàn công tác đã đến tham quan, học tập mô hình tại Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Tập đoàn Quế Lâm; tham quan mô hình Siêu thị nông sản hữu cơ Quế Lâm ở thành phố Huế - nơi cung cấp các sản phẩm sạch được sản xuất theo quy trình hữu cơ, thân thiện với môi trường, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, không chất bảo quản; tham quan Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Biotech Quế Lâm và mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm.

A8.jpg
Đoàn tham quan nhà máy chế biến gạo hữu cơ

Sau khi tham quan thực tế, đoàn công tác đã làm việc với Tập đoàn Quế Lâm. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Trần Hoài Đức thông tin một số kết quả phát triển KT-XH của huyện. Riêng với sản xuất nông nghiệp, huyện đang tập trung chỉ đạo, lãnh đạo việc thực hiện tái cơ cấu, đưa nền nông nghiệp phát triển đúng hướng, bền vững và tăng trưởng cao.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Đức Thọ cũng trao đổi, thảo luận về sự cần thiết phát triển nông nghiệp hữu cơ, tiềm năng của huyện và những giải pháp để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trong sản xuất nông nghiệp; những chính sách hỗ trợ trong thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ...

A.jpg
Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Trần Hoài Đức thông tin về tình hình phát triển KT-XH nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng của địa phương.

Đại diện Tập đoàn Quế Lâm, Trường Đại học Nông lâm Huế cũng trao đổi mục tiêu, xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, Tập đoàn Quế Lâm có 13 công ty thành viên (8 nhà máy sản xuất phân bón), 1 viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học và 1 công ty chuyên nhập khẩu, phân phối sản phẩm phân bón Quế Lâm tại thị trường Campuchia.

Với năng lực sản xuất trên 1 triệu tấn/năm, tập đoàn sản xuất và bán ra thị trường hàng trăm nghìn tấn phân bón các loại, góp phần không nhỏ trong việc cải tạo đất đai, môi trường, hạn chế thoái hóa, ô nhiễm đất đai.

Về nông nghiệp hữu cơ, tập đoàn liên kết sản xuất với các hợp tác xã, đơn vị trên cả nước thực hiện chuỗi sản xuất gạo hữu cơ khép kín; các mô hình chăn nuôi hữu cơ an toàn sinh học. Cùng đó, tập huấn, hướng dẫn nông dân cách canh tác đúng kỹ thuật và giám sát chặt chẽ quá trình tăng trưởng của cây trồng, vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh bằng các chế phẩm sinh học do Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học Quế Lâm sản xuất; thu mua lại các sản phẩm để cung ứng cho thị trường cả nước.

A5.jpg
Bí thư Huyện ủy Đức Thọ Nguyễn Thành Đồng: Mong muốn thời gian tới Tập đoàn Quế Lâm giúp đỡ, hỗ trợ huyện xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống của người nông dân .

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Đức Thọ và Tập đoàn Quế Lâm đã thông qua biên bản hợp tác về đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn giai đoạn 2024 - 2028.

Nội dung chủ yếu của biên bản hợp tác:

- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn;

- Cung cấp con giống, phân hữu cơ vi sinh, các chế phẩm sinh học mang thương hiệu Quế Lâm;

- Hợp tác đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hữu cơ; hỗ trợ cải tạo đất, nâng cao độ phì nhiêu cho đất;

- Hợp tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp;

- Hỗ trợ huyện triển khai các cửa hàng để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho người nông dân tham gia chuỗi hợp tác liên kết;

- Trên cơ sở nghiên cứu kỹ về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng trên địa bàn để phát triển bền vững, có hiệu quả các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết mở, liên kết chuỗi; sản xuất lợn, bò, gà hữu cơ và sản xuất ruồi lính đen…

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm