Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tháng 5/2022, gia đình ông Trương Xuân Hà (thôn 5, xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) đã hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Thừa Thiên Huế) triển khai mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ. Bước đầu, ông Hà thả nuôi 5 lợn nái và 50 lợn thịt.
Với phương pháp chăn nuôi lợn hữu cơ, ông Hà sử dụng 100% thức ăn hữu cơ của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm và dùng đệm lót sinh học, men vi sinh xử lý phân lợn làm phân bón trong trồng trọt.
Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm của ông Trương Xuân Hà (Cẩm Minh, Cẩm Xuyên)
Ông Trương Xuân Hà chia sẻ: “Chăn nuôi theo phương pháp truyền thống sau 4 tháng lợn có thể xuất chuồng còn chăn nuôi theo hướng hữu cơ thì phải từ 6 tháng trở lên. Nguồn thức ăn của lợn hoàn toàn hữu cơ nên tạo ra thịt chất lượng sạch. Sau khi lợn đạt trọng lượng theo quy định, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đứng ra thu mua sản phẩm với giá như đã ký cam kết ban đầu. Sau 8 tháng nuôi, chúng tôi đã xuất bán được 2 lứa với số lượng 23 con lợn thịt”.
Từ chỗ bắt tay liên kết sản xuất, ông Trương Xuân Hà nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, nhất là các sản phẩm sạch được làm từ thịt lợn của người dân ngày càng cao. Tháng 12/2022, ông tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất thực phẩm sạch từ nguyên liệu và công nghệ của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm. Hiện nay, cơ sở thực phẩm sạch Ngân Hà đã cho ra lò: xúc xích, giò lụa, chả chiên và các loại thịt lợn hữu cơ.
Ông Trương Xuân Hà đầu tư máy móc, thuê nhân công, tiên phong sản xuất thực phẩm sạch của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm ở Hà Tĩnh.
“Sau khi thịt lợn xuất cho Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, chúng tôi mua lại sản phẩm đã qua giết mổ để bán và sản xuất xúc xích, giò lụa, chả chiên. Hiện nay, tôi còn nhập về gạo nếp của Tập đoàn để sản xuất bánh chưng. So với giá thị trường, thực phẩm làm từ thịt lợn hữu cơ giá thành sẽ cao hơn. Tuy nhiên, sản phẩm chất lượng nên người tiêu dùng Hà Tĩnh rất đón nhận”.
Từ khi đi vào sản xuất đến nay, trung bình mỗi ngày, cơ sở thực phẩm sạch Ngân Hà cung cấp cho thị trường khoảng 1 tạ xúc xích, chả chiên và giò lụa. Thực phẩm sạch Ngân Hà hiện có mặt ở một số cửa hàng kinh doanh nông sản sạch trên địa bàn: TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên. Vừa sản xuất, vừa kinh doanh, cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Các sản phẩm chế biến sâu từ thịt lợn hữu cơ của thực phẩn sạch Ngân Hà
Ngoài cơ sở thực phẩm sạch Ngân Hà, Tập đoàn Quế Lâm đang liên kết chăn nuôi lợn hữu cơ với 8 hộ dân trên địa bàn các huyện: Can Lộc, Hương Sơn, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Xác định sản xuất phải gắn liền với tiêu thụ, hiện nay, sản phẩm nông sản của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đang có mặt ở 7 cửa hàng nông sản sạch thuộc 6 địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh, bao gồm các huyện: Can Lộc, Hương Sơn, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh.
Bước đầu có mặt ở thị trường Hà Tĩnh, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đang nỗ lực để mang đến cho người tiêu dùng Hà Tĩnh những sản phẩm sạch từ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn như: gạo, thịt lợn, xúc xích, giò, chả chiên...
Thịt lợn hữu cơ của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm hiện có mặt ở 7 cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Trọng Hương – Trưởng đại diện chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tại Hà Tĩnh cho biết: “Tập đoàn đang từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng của thị trường Hà Tĩnh. Sản xuất nông nghiệp truyền thống lâu nay sử dụng phân bón, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học... Trong khi đó, sản xuất hữu cơ sử dụng phân bón từ chất thải sinh học, canh tác tự nhiên, không thuốc trừ sâu, không chất gây hại để bảo vệ môi trường và cho ra sản phẩm sạch. Ngoài ra, các doanh nghiệp và hợp tác xã còn tốn thêm nhiều chi phí để được chứng nhận theo quy định. Vì vậy, giá thành của nông sản hữu cơ cao hơn nhiều.
Hiện nay, vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng Hà Tĩnh chưa tin tưởng sản phẩm hữu cơ để có thể sử dụng, mặc dù nhu cầu đối với sản phẩm sạch là luôn luôn có. Thời gian tới, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm sẽ tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để người dân hiểu được giá trị của nông sản hữu cơ, phát triển chuỗi sản xuất - tiêu thụ, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho bà con nông dân cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm sạch".