Gia đình là những mối quan hệ gắn kết giữa vợ - chồng, bố mẹ - con cái, ông bà - cháu chắt. Ở đó cần sự yêu thương, chia sẻ, đồng cảm với nhau bằng những lời nói, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười… trong không gian ngôi nhà. Nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, sự gắn kết của các mối quan hệ đó dần trở nên lỏng lẻo hơn, mà thiết bị số là một trong những nguyên nhân hàng đầu.
Bố mẹ nghiện thiết bị công nghệ, những đứa trẻ ít được quan tâm, chia sẻ. Ảnh internet.
Một thực trạng khá quen thuộc trong nhiều gia đình hiện nay là sau bữa cơm chung, mỗi thành viên đều tự tìm cho mình một kênh giải trí riêng: xem ti vi; dùng điện thoại, ipad, laptop để truy cập mạng xã hội, làm việc cá nhân mà rất ít khi dành thời gian trò chuyện cùng nhau.
Không có những câu chuyện được sẻ chia giữa vợ chồng, bố mẹ và con cái đồng nghĩa với hoạt động giao tiếp dần ít đi, các thành viên không hiểu nhau, lơ là trách nhiệm chung với gia đình và dễ nảy sinh những mâu thuẫn, bất hòa không đáng có.
Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng tâm lý khi không được trò chuyện, chia sẻ; thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm chăm sóc từ bố mẹ. Nếu được tự do sử dụng thiết bị công nghệ, các em dễ tiếp cận nhiều thông tin độc hại dẫn đến lệch lạc trong nhận thức, hành vi.
Trẻ em nghiện game, thiết bị công nghệ sẽ chịu những tác động tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe. Ảnh internet.
Một thực tế đáng buồn là không ít người đắm chìm trong không gian ảo, kết nối và tìm kiếm niềm vui trong các mối quan hệ trên mạng xã hội mà không còn hứng thú, dành tình cảm cho người thân của mình ở cuộc sống thực. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, nó khiến tình cảm dần phai nhạt, con người cô đơn trong chính tổ ấm của mình, hạnh phúc gia đình trở nên mong manh, khó giữ.
Ngoài việc ảnh hưởng đến sự gắn kết trong gia đình thì lạm dụng công nghệ cũng tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất, tinh thần, lối sống của các thành viên, đặc biệt là trẻ em. Sức hấp dẫn từ thiết bị công nghệ, từ mạng xã hội khiến mọi người có xu hướng thức khuya, ngủ không đủ giấc, làm giảm khả năng tập trung cho công việc, học tập.
Mải mê tìm kiếm những mối quan hệ ảo khiến cho sự gắn kết trong gia đình trở nên lỏng lẻo. Ảnh internet.
Ánh sáng từ thiết bị số ảnh hưởng đến thần kinh, thị lực của người dùng. Người nghiện công nghệ cũng thường bó hẹp mình, ngại giao tiếp và mở rộng các mối quan hệ thực ngoài xã hội, làm mất đi nhiều cơ hội trong công việc, cuộc sống.
Thiết bị số - những vật liên lạc, giải trí tưởng chừng vô hại lại đang có khả năng hủy hoại hạnh phúc của mỗi gia đình. Thế nhưng, đổ lỗi cho chúng là điều không hợp lẽ, bởi lỗi chính là ở chúng ta - những người dùng không biết cách sử dụng, kiểm soát thói quen, sở thích của bản thân.