Được trang bị tốt, vì sao quân đội Mỹ vẫn e ngại tên lửa Iran?

Iran có một kho tên lửa đồ sộ, từ tên lửa đạn đạo đến tên lửa hành trình với tầm bắn có thể vươn tới hầu hết các căn cứ quân sự của Mỹ tại Trung Đông.

Chương trình tên lửa là một trong những yếu tố chính giúp Iran duy trì sức mạnh quân sự, củng cố quyền lực, răn đe các nước đối đầu trong khu vực, thực hiện chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) trên biển, đặc biệt là tại Eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư.

Bộ sưu tập tên lửa của Iran thuộc loại đa dạng nhất Trung Đông. Ngoài những tên lửa do chính nước này chế tạo, Tehran còn cải biên một số lượng lớn các thiết kế của Nga và Trung Quốc. Iran có hàng nghìn tên lửa tầm ngắn và tầm trung, có thể tấn công các mục tiêu tại Đông Phi, Đông và Nam Âu. Dưới đây là bộ 3 tên lửa “át chủ bài” của Iran.

Fateh-110

Iran bắt đầu thực hiện chương trình phát triển tên lửa Fateh-110 vào giữa những năm 1990. Các cuộc thử nghiệm được tiến hành vào giai đoạn cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Đến năm 2003, tên lửa này được đưa vào sản xuất đại trà.

Được trang bị tốt, vì sao quân đội Mỹ vẫn e ngại tên lửa Iran?

Tên lửa Fateh-110. Ảnh: Wikipedia.

Fateh-110 dài gần 9m, nặng 3.450kg, sử dụng động cơ đẩy một tầng và nhiên liệu rắn. Nó có tầm bắn khoảng 210km và được cho là có thể mang đầu đạn nặng 500kg. Fateh-110 có 3 cánh hình tam giác ở phía trước và 4 cánh ở phía sau để giữ ổn định. Tên lửa này sẽ có khả năng cơ động cao khi được lắp đặt trên bệ phóng di động và sử dụng được trên nhiều bệ phóng khác nhau, trong đó có bệ phóng dành cho S-75 Dvina, Zelzal hay Zolfaghar.

Từng có thông tin cho rằng Iran đã cung cấp tên lửa Fateh-110 cho lực lượng Hezbollah. Tuy nhiên thông tin này rất khó xác nhận vì Israel đã phá hủy một số lượng lớn vũ khí của Hezbollah trong các cuộc không kích vào năm 2007.

Shahab-1

Shahab-1 là biến thể của dòng tên lửa SS-1Scud do Nga sản xuất. Nó gần giống với tên lửa V-2 do Đức Quốc xã chế tạo trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Shahab-1 sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng có tầm bắn khoảng 330km, có thể mang đầu đạn nặng 1.000 kg. Shahab-1 có sai số trượt mục tiêu (CEP) tương đối lớn khoảng 500m do đó nó không có khả tấn công các mục tiêu di động mà chỉ dùng để tấn công các mục tiêu cố định, chẳng hạn như căn cứ quân sự.

Được trang bị tốt, vì sao quân đội Mỹ vẫn e ngại tên lửa Iran?

Tên lửa Shahab-1. Ảnh: Wikipedia.

Shahab-1 ra đời từ những năm 1980 trong giai đoạn chiến tranh giữa Iran và Iraq. Ở thời điểm đó, Iran cần một loại vũ khí có tầm bắn xa hơn các loại đạn pháo sẵn có bởi nước này không muốn mạo hiểm với phi đội máy bay chiến đấu của mình. Nhiều máy bay quân sự của Iran là những chiếc máy bay đời cũ do Mỹ sản xuất, vì vậy việc bảo dưỡng và thay thế các phụ tùng là điều vô cùng khó khăn.

Sau cuộc chiến tranh với Iraq, Iran nhận ra rằng, việc phát triển một lực lượng phòng thủ mạnh (với nhiều loại tên lửa khác nhau) luôn là giải pháp tiết kiệm chi phí và dễ dàng hơn nhiều so với việc tiến hành một cuộc tấn công lớn cần phải sử dụng các máy bay chiến đấu đắt tiền và đôi khi gây rủi ro đối với tính mạng của phi công. Vì thế, Tehran đã tăng cường năng lực chế tạo tên lửa nội địa và đạt được những bước tiến lớn trong chương trình này.

Hiện Iran đang sở hữu nhiều phiên bản của Shahab-1với tầm bắn và độ chính xác khác nhau. Tuy nhiên, các phiên bản của Shahab đều sử dụng nhiên liệu lỏng, đòi hỏi quy trình bảo dưỡng và vận hành phức tạp, hạn chế về khả năng sẵn sàng chiến đấu trong các tình huống khẩn cấp. Điều này đã thôi thúc Iran chế tạo những tên lửa tối tân hơn.

Sejjil

Tên lửa liên lục địa Sejjil là một trong số những tên lửa uy lực nhất của Iran, với tầm bắn khoảng 2.000 km, có thể mang theo đầu đạn nặng từ 500 đến 1.000kg. Sejjil là tên lửa được sản xuất nội địa hoàn toàn của Iran, hoàn toàn khác biệt so với những loại tên lửa được chế tạo dựa trên việc cải biên hoặc sao chép nguyên mẫu của các quốc gia khác.

Được trang bị tốt, vì sao quân đội Mỹ vẫn e ngại tên lửa Iran?

Tên lửa Sejjil. Ảnh: Twitter.

Một trong những lợi thế của Sejjil là sử dụng nhiên liệu rắn thay vì nhiên liệu lỏng. Điều này giúp nó có sức mạnh vượt trội hơn, giảm đáng kể thời gian phóng và tăng cường khả năng cơ động. Trong khi đó các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng đòi hỏi thời gian chuẩn bị lâu hơn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố cụ thể để có thể vận hành (vì nhiên liệu lỏng cần phải được làm mát nên đòi hỏi khá nhiều năng lượng).

Ưu điểm lớn nhất của Sejjil-2 là tính chính xác, điều mà tên lửa đạn đạo Iran thường thiếu. Nếu được kết hợp với một bệ phóng di động, Sejjil sẽ là một mối đe dọa lớn và cực kỳ mạnh mẽ. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, Sejjil-1 có thể có thể vươn tới Israel và thậm chí là một phần của đông nam Châu Âu./.

Theo VOV

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.