“Mọi yếu tố trong kịch bản can thiệp đã được vạch ra, trong đó có kế hoạch huy động nguồn lực cần thiết, cách thức và thời điểm triển khai lực lượng”, Abdel-Fatau Musah, ủy viên Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), ngày 4/8 cho biết.
Ông Musah không công bố thời điểm các nước ECOWAS có thể can thiệp quân sự vào Niger, khi chỉ còn hai ngày nữa là hết thời hạn mà họ đưa ra để phe đảo chính Niger trao trả quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum.
Theo ông, ECOWAS “muốn các biện pháp ngoại giao phát huy hiệu quả và truyền tải thông điệp rõ ràng tới chính quyền quân sự Niger rằng chúng tôi đang cho họ mọi cơ hội để đảo ngược những gì đã làm”.
Lực lượng an ninh Niger chuẩn bị giải tán người biểu tình ở bên ngoài đại sứ quán Pháp tại Niamey ngày 30/7. Ảnh: Reuters
Chỉ huy quân đội các nước thuộc khối ECOWAS tuần này họp ở thủ đô Abuja, Nigeria, sau khi lực lượng vũ trang Niger đảo chính và lật đổ ông Bazoum ngày 26/7.
Phái đoàn ECOWAS đến thủ đô Niamey của Niger ngày 3/8 nhưng quay về trong ngày mà không đạt được kết quả đột phá nào. Họ cũng không thể gặp ông Bazoum hay lãnh đạo phe đảo chính Niger.
Chính quyền quân sự Niger ngày 4/8 cũng thông báo nước này sẽ hủy hợp tác quốc phòng với Pháp. Tuy nhiên, Paris khẳng định quan hệ quân sự giữa hai nước không thay đổi vì Pháp không công nhận phe đảo chính, khẳng định chỉ có “chính quyền hợp pháp” ở Niger mới có quyền quyết định.
ECOWAS cuối tuần trước nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính đối với Niger, đồng thời ra tối hậu thư cho chính quyền quân sự ở Niger một tuần để trao trả quyền lực.
Khối này gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo.
Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính. Hai nước tuyên bố họ sẽ tuyên chiến nếu Niger bị can thiệp quân sự.
Vị trí Niger và các nước láng giềng. Đồ họa: AFP