“Hiện EU không đạt được quan điểm thống nhất về vấn đề này”, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói với tờ Die Welt của Đức hôm nay.
Xuất khẩu dầu mỏ là nguồn thu ngoại tệ chính của Nga và nhiều quốc gia thành viên EU đã kêu gọi ngừng nhập dầu Nga để để phản ứng với chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine.
Một số nước EU đang thúc đẩy gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga và Brussels đang chuẩn bị một bản đánh giá đầy đủ về tác động của lệnh cấm dầu như một phần của các biện pháp tiếp theo.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell tại cuộc họp báo ở Kiev, Ukraine hôm 8/4. Ảnh: Reuters.
Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu, với hơn 1/4 lượng dầu nhập khẩu của EU trong năm 2020 đến từ nước này, theo dữ liệu của Eurostat.
Ông Borrell cho biết chủ đề cấm dầu và khí đốt Nga sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra cuối tháng tới và ông không cho rằng có bất kỳ quyết định nào có thể được đưa ra trước thời điểm đó.
“Đề xuất cuối cùng về lệnh cấm vận dầu khí vẫn chưa được đưa ra”, ông lưu ý. Quan chức này không nói rõ những thành viên nào của EU không ủng hộ lệnh cấm năng lượng Nga.
Borrell nhấn mạnh tất cả quốc gia EU đều đang nỗ lực giảm phụ thuộc dầu khí Nga, cho biết thêm rằng khối trước sau gì cũng sẽ giảm được phụ thuộc vào nguồn năng lượng này.
“Điều đó sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó. Nga lúc ấy sẽ chịu thiệt hại khi doanh thu từ hoạt động kinh doanh dầu khí bị mất đi”, nhà ngoại giao EU cho hay.
Một số quốc gia phương Tây như Mỹ và Anh đã tuyên bố ngừng nhập dầu khí Nga. Tuy nhiên, EU từ chối cấm nhập khẩu năng lượng Nga ngay lập tức, do lo ngại ảnh hưởng tới kinh tế và sản xuất. Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này.
Áo, một quốc gia thành viên EU, cuối tuần qua cho biết cấm vận khí đốt Nga hiện là không thể đối với nước này.