Một người biểu tình thuộc phong trào "Áo vàng" đứng trước các xe bị đốt cháy. Ảnh: Getty Images
Khi người đồng sáng lập Facebook ông Mark Zuckerberg thông báo hồi tháng 1 rằng mạng xã hội bắt đầu ưu tiên các bài đăng tin tức địa phương, anh không ngờ chính sách mới của Facebook lại dẫn tới một trong những khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Đầu năm, một người Bồ Đào Nha Leandro Antonio Nogueira đang sống tại Pháp lập ra một nhóm mang tên “Nhóm Nổi giận” trên Facebook. Đây là nhóm mà các thành viên tham gia có thể than phiền và thảo luận về các vấn đề của địa phương. Sau đó, trên trang này, Nogueira kêu gọi các thành viên tiến hành biểu tình hòa bình phong tỏa các con đường ở Pháp. Khởi đầu từ một nhóm nhỏ, đến nay nhóm này có khoảng 90.000 thành viên.
Có thể thấy rõ các nhóm phong trào trên Facebook đóng vai trò khá đáng kể trong việc thu hút người biểu tình từ đông đảo nhiều tầng lớp, khu vực. Phần lớn những người tham gia biểu tình đều sinh sống tại các thị trấn nhỏ và vùng ngoại ô nước Pháp.
“Chúng tôi dùng Facebook cho mọi thứ - từ tự thông báo cho đến tự tổ chức”, Chloe Tissier – quản trị viên quản lý nhóm Facebook “Những người tài xế Normandy tức giận” hiện có hơn 50.000 thành viên – chia sẻ. "Khi dựng chướng ngại vật trên đường và chúng tôi không có đủ nguyên vật liệu để đốt, hoặc thực phẩm bổ sung sức lực, chúng tôi chỉ cần đăng bài và sẽ có người nào đó mang đến cho chúng tôi. Làm điều này qua điện thoại là không thể".
Facebook cũng là một công cụ "tuyệt vời vì người lớn tuổi cũng tham gia rất nhiều trên đó", cô Chloe Tissier nói thêm. Bộ phận người nghỉ hưu – thường xuyên tức giận vì các khoản trợ cấp bị siết chặt – cũng đóng góp không nhỏ vào lực lượng của phong trào.
Trong khi đó, Tristan Mendes - giảng viên văn hóa kỹ thuật số tại Đại học Paris-Diderot – cho biết: "Phong trào Áo Vàng hoàn toàn không phải là một phong trào có tính tổ chức – họ không có người phát ngôn”.
Các chuyên gia Internet cho rằng sự thay đổi thuật toán của Facebook đã trợ giúp “các tổ chức tức giận” như nhóm Normandy thổi “ngọn lửa hận thù” cho hàng nghìn thành viên tham dự.
Giảng viên Tristan giải thích: “Sự thay đổi trong thuật toán của Facebook từ đầu năm đã làm giảm tần suất hiển thị của post tin tức thuộc các hãng truyền thông có tiếng. Thay vào đó thuật toán lại ưu tiên hiển thị nội dung do các nhóm, cá nhân địa phương đăng”.
Và cuối cùng, sự tức giận trên mạng đã biến thành hành động bạo lực trong đời thực, với hàng nghìn người đổ xuống đường biểu tình đụng độ với cảnh sát. Ngày 17/11 là ngày đánh dấu người biểu tình quốc gia bắt đầu tràn xuống đường phản đối kế hoạch tăng giá khí đốt.
Sáng 8/12, trên khắp nước Pháp, cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng” đã bước sang tuần thứ 4. Khoảng 31.000 người biểu tình đã tuần hành trên đường phố Paris, đụng độ với lực lượng an ninh.
Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để trấn áp những kẻ quá khích. Theo người phát ngôn của cảnh sát, khoảng 1.500 người đã tập trung tại khu vực Đại lộ Champs-Elysees ở trung tâm Paris và 127 người đã bị bắt giữ sau khi cảnh sát tìm thấy trong người họ nhiều vật dụng gây sát thương như búa, gậy bóng chày, bi sắt. Hàng trăm người khác cũng bị bắt giữ khi tham gia biểu tình trong ngày nghỉ cuối tuần vừa qua trên khắp nước Pháp.
Mặc dù Chính phủ Pháp ngày 4/12 thông báo hoãn tăng thuế nhiên liệu cùng một số biện pháp nhượng bộ khác nhằm xoa dịu tình hình, song phong trào "Áo vàng", trong đó có nhiều phần tử cực hữu, vẫn huy động lực lượng biểu tình vào cuối tuần.