Ngày 18/9, Fed quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ sau 4 năm. Theo đó, lãi suất tham chiếu của Mỹ giảm 50 điểm cơ bản (0,5%), về 4,75-5%.
"Hội đồng ngày càng tin tưởng lạm phát hạ nhiệt bền vững, hướng về 2%. Xác suất thị trường lao động và lạm phát đạt mục tiêu là ngang nhau", Fed cho biết trong thông báo.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh "luôn sẵn sàng điều chỉnh chính sách tiền tệ nếu có rủi ro phát sinh". Quan chức Fed dự báo lãi suất tham chiếu giảm thêm 0,5% cuối năm nay và 1% vào năm sau. Sang 2026, họ sẽ hạ tiếp 0,5% để đưa lãi suất về 2,75-3%.
Chứng khoán Mỹ lập tức phản ứng với thông tin này. Chỉ số DJIA tăng 303 điểm, tương đương 0,7%. S&P 500 và Nasdaq Composite thêm lần lượt 0,7% và 0,9%.
Giá vàng thế giới cũng tăng thẳng đứng, gần 30 USD, lên 2.596 USD một ounce.
Lãi suất tham chiếu của Fed áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Đây không phải mức lãi người tiêu dùng và doanh nghiệp phải trả, nhưng động thái của Fed ảnh hưởng đến lãi suất cho vay và tiết kiệm.
Khi lãi suất thấp, chi phí đi vay rẻ hơn. Doanh nghiệp có thể đầu tư vào các dự án mới hoặc tuyển thêm nhân viên khi tiền lãi giảm đi. Tương tự, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn do gửi tiết kiệm kém hấp dẫn.
Dù vậy, các nhà kinh tế học cho rằng phải mất ít nhất là một năm, tác động từ việc điều chỉnh này mới rõ rệt trong nền kinh tế. Điều này lý giải vì sao lãi suất tại Mỹ tăng từ đầu 2022, nhưng một năm sau lạm phát mới bắt đầu hạ nhiệt.
Fed nâng lãi suất 11 lần từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023 để ghìm lạm phát. Tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 2,5%, giảm đáng kể so với mức đỉnh 9% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số chi tiêu cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - cũng phát tín hiệu hạ nhiệt suốt 2 năm qua.
Tăng trưởng việc làm gần đây cũng giảm, nhưng số liệu vẫn tích cực. Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tháng 8 vượt dự báo. Dự báo của Fed Atlanta cho thấy Mỹ có thể tăng trưởng 3% trong quý III.