Giếng cổ Cây Bàng được người dân tôn tạo với kinh phí hơn 185 triệu đồng
Sau hơn 1,5 tháng thi công, việc trùng tu, tôn tạo lại giếng cổ Cây Bàng ở thôn An Toàn Long, xã Xuân Hội đã hoàn thành trong niềm phấn khởi của người dân.
Theo tài liệu lịch sử, giếng cổ Cây Bàng có từ thời nhà Nguyễn (năm 1826), khi các dòng họ và Nhân dân nơi đây góp sức người, sức của để xây giếng. Giếng có 4 khuông, đường kính vòng trong 1,76m và vòng ngoài là 2m. Với người dân địa phương, giếng được xem như “báu vật”, mang đến nguồn nước cho bao thế hệ.
Vào những năm 1932, khu vực xung quanh giếng cổ Cây Bàng là nơi liên lạc, sinh hoạt chi bộ của các đảng viên; năm 1972 giếng bị bom Mỹ vùi lấp. Với quyết tâm khôi phục, tôn tạo để bảo tồn di sản của thế hệ cha ông, người dân địa phương và con em xa quê đã tự nguyện đóng góp để phục dựng lại giếng cổ với tổng kinh phí khoảng 185 triệu đồng.
Đền Giếng Chay được tôn tạo, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân trong vùng.
Tại xã Cổ Đạm, người dân trong vùng cũng đã đóng góp hơn 1,5 tỷ đồng để khôi phục lại đền Giếng Chay, ở thôn Phú Vinh.
Đền Giếng Chay có lịch sử khoảng 300 năm, là nơi thờ Thành Hoàng Làng là ông Nguyễn Hữu Thuận (quê ở huyện Can Lộc). Theo sử sách, ông là tướng quân văn võ song toàn, từng chỉ huy chiến đấu với quân xâm lăng thời nhà Lê.
Trải qua biến cố của thời gian và lịch sử, ngôi đền bị hoang phế. Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, con cháu dòng họ Nguyễn Hữu (Can Lộc), Nhân dân trong vùng làng Phú Giáo và chính quyền xã Cổ Đạm quyết tâm khôi phục lại ngôi đền trên nền đất cũ.
Ngôi đền được khôi phục gồm 2 toà, bằng gỗ lim với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng từ sự đóng góp của Nhân dân trong vùng và con em xa quê, con cháu dòng họ. Hiện trong đền còn lưu giữ 3 đạo sắc do vua ban tặng vào các năm 1853, 1880, 1924.