Anh Nguyễn Hà (mặc áo hải quân) cùng đồng đội thả các con tàu...
Chuyến ra Hà Tĩnh gặp bà Hà Thị Liên - người mà anh Hà xem là “mẹ mình” - đã để lại trong anh nhiều cảm xúc đặc biệt. Anh tâm sự: “Từ chuyến về gặp mẹ Liên tháng 8/2017, anh nghĩ mình phải làm gì đó để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh, tưởng nhớ Đào Kim Cương. Vì thế, anh tự tay làm nên những con tàu, trong đó có tàu HQ 604 để gửi ra cho đồng đội. Các tàu được anh kết thành đội hình, đi sát nhau, gồm tàu dẫn đi trước giữa là tàu HQ 604 và 2 bên là 2 tàu hộ tống thể hiện tinh thần đoàn kết Bắc – Trung – Nam giữ vững biển đảo tổ quốc”.
... và rất nhiều hoa đăng gửi ra cho đồng đội đã nằm lại nơi biển khơi tổ quốc.
“Mình làm mọi việc là xuất phát từ niềm đau đáu trong lòng, luôn nghĩ về nỗi đau thương năm ấy, và tin đồng đội sẽ hiểu thấu tình cảm của anh em hải quân. Sáng nay, mình cùng một số đồng đội đã ra cửa biển Hội An làm lễ giỗ, tưởng nhớ 64 liệt sỹ, đồng thời thả đội tàu và nhiều hoa đăng. Sau đó, anh em về nhà mình bàn kế hoạch ngày mai vào Đà Nẵng tham dự lễ tưởng niệm” – anh Nguyễn Hà tâm sự.
Anh Nguyễn Hà hiện sống tại tổ 4, khối Thanh Tây, phường Cẩm Châu, TP Hội An (Quảng Nam). Trước đây, anh cùng đơn vị thông tin C4, vùng 3 Hải quân với liệt sỹ Đào Kim Cương – người đã hy sinh cách đây 30 năm trong trận hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988. | ||
Dẫu con trai Đào Kim Cương đã hy sinh cách đây 30 năm, nhưng bà Hà Thị Liên vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ. Bà thường ôm tấm bia mộ đặt trong gian nhà, cạnh chiếc giường để khóc thương con.
Anh kể: “Mình tham gia Hải quân từ năm 1985 – 1989. Đào Kim Cương nhập ngũ sau anh 2 năm nhưng anh và Cương rất thân thiết vì ngủ cùng giường. Đi đâu anh em cũng có nhau. Đến giờ, hình ảnh của Cương cứ ở trong tâm trí, không thể quên được”.
Anh Nguyễn Hà đăng tải trên facebook sau khi tìm được "mẹ" Hà Thị Liên từ bài "Nước mắt của người mẹ lính Gạc Ma" đăng trên Báo Hà Tĩnh điện tử.
Anh cũng nhắc lại: “Khi Cương hy sinh, anh có viết thư về cho bố mẹ Cương. Sau đó, bố Cương có viết thư lại cho anh nói là: Thôi thì, vì đất nước nó hy sinh, con là bạn thân của Cương thì bố cũng coi con như con của bố”.
Xuất phát từ tình cảm đó mà ngay sau khi Báo Hà Tĩnh đăng bài về mẹ Hà Thị Liên, anh Nguyễn Hà đã cùng vợ từ Hội An ra tận Vượng Lộc, Can Lộc để gặp lại người mẹ, thắp nén hương cho Đào Kim Cương.
Sau đó, anh đã tìm về tới nhà bà Hà Thị Liên ở Vượng Lộc, Can Lộc (trong ảnh: Anh Nguyễn Hà ôm bà Hà Thị Liên bên mâm cơm đoàn tụ cùng gia đình; người kế tiếp là vợ của anh Nguyễn Hà).
Ngày về Hà Tĩnh, anh cũng đã dành thời gian đi dâng hương tại Ngã ba Đồng Lộc. Anh nói với tôi, anh xem các anh, chị ngã xuống tại Ngã ba huyền thoại cũng là đồng đội, bởi đều đã chiến đấu, hy sinh vì tổ quốc.
Vì nghĩa tình đồng đội, anh Nguyễn Hà đã tìm về Hà Tĩnh để thắp hương cho liệt sỹ Đào Kim Cương và các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc (ảnh do nhân vật cung cấp).
Trong cuộc tâm tình nhân ngày tưởng niệm liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma, anh Hà còn cho hay: Con anh là Nguyễn Gia Huy hiện đã tham gia hải quân, đơn vị đóng ở đảo Cô Lin. Ngày con trai ra đảo, anh cũng viết gửi đồng đội: “Các đồng đội ơi! vậy là con trai mình Nguyễn Gia Huy sẽ thay mặt bố nó đến nơi mà các đồng đội đã vĩnh viễn gửi thân xác lại nơi trùng khơi bao la, nó sẽ đến Cô Lin trong vài ngày tới. Cầu mong các đồng đội che chở nó”.
Để tưởng nhớ 64 liệt sỹ đã ngã xuống trong ngày 14/3/1988 tại Trường Sa, ngày 13/3/2018, 10 CCB Gạc Ma và 6 thân nhân liệt sĩ thuộc 4 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh đã tổ chức thả vòng hoa tri ân tại vùng biển Cửa Nhượng.
Theo cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, tại đây, đồng đội và người thân cảm thấy được gần biển, vẫn có thể phóng tầm mắt ra các đảo xa để tưởng nhớ các anh.
Sau lễ thả vòng hoa tri ân, các CCB đã về Trường tiểu học Thạch Lạc (Thạch Hà) giao lưu với các thầy cô, các em học sinh về sự hy sinh của các chiến sĩ Gạc Ma, về biển đảo Việt Nam; vào Ba Đồn (Quảng Bình) tham dự lễ tri ân tại mộ liệt sĩ Trần Văn Phương tại nghĩa trang liệt sĩ phường Quảng Phúc và đến thăm hỏi, động viên mẹ Hồ Thị Đức, mẹ của liệt sĩ Trần Văn Phương. Biện Nhung |