Từ ngày 1/11, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas thông báo điều chỉnh tăng giá. Theo đó, tùy thương hiệu, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng tăng trung bình 20.000 - 21.000 đồng, loại 48 kg tăng 78.000 - 79.000 đồng/bình.
Giá gas Petrolimex tăng 20.000 đồng/bình 12 kg và tăng 80.000 đồng/bình 48 kg
Tại cửa hàng Petrolimex Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh), giá gas hiện niêm yết ở mức 450.000 đồng/bình 12 kg (tăng 20.000 đồng so với tháng 10) và 1.800.000 đồng/bình 48 kg (tăng 80.000 đồng so với tháng 10).
Anh Nguyễn Phi Bách - Trưởng Trung tâm kinh doanh tổng hợp Petrolimex Hà Tĩnh (Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh) cho biết: “Giá gas tăng nên một số khách hàng chuyển sang sử dụng thương hiệu gas khác rẻ hơn hoặc là sử dụng bếp điện nhằm tiết kiệm. Để giữ chân khách hàng, chúng tôi đang triển khai các chương trình chăm sóc khách hàng như: tặng 500 tạp dề, sửa chữa và vệ sinh bếp khi khách hàng mua gas…”.
Nhân viên Petrolimex Hà Tĩnh vận chuyển gas cho khách hàng
Ngoài bán lẻ đến từng hộ dân, Petrolimex Hà Tĩnh hiện cung cấp gas cho 60 nhà hàng, khách sạn, quán ăn trên địa bàn TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận. Trung bình mỗi tháng, đơn vị bán ra khoảng 20 tấn gas. Tuy nhiên, với mức giá đang tăng như hiện nay, lượng khách hàng truyền thống và sản lượng bán ra của Petrolimex Hà Tĩnh đang có dấu hiệu sụt giảm.
Tương tự như Petrolimex Hà Tĩnh, các hãng gas khác trên địa bàn Hà Tĩnh như: Hasscom, Total, Green, Sài Gòn Petrol, Đại Hải gas… cũng đang gặp khó khăn do giá gas biến động thời gian qua.
Nhân viên cửa hàng gas Tâm Hoa ở TP Hà Tĩnh giao hàng cho khách
Anh Trần Văn Hà - nhân viên cửa hàng gas Tâm Hoa (đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Giá gas hiện đang quá cao, phải giảm xuống dưới 400.000 đồng thì mới phù hợp với người tiêu dùng. Sau khi niêm yết giá tăng từ đầu tháng, không chỉ hộ gia đình nhỏ lẻ mà một số khách hàng lớn như: trường học, bếp ăn tập thể đã từ chối sử dụng gas Total để chuyển sang sử dụng loại khác giá rẻ hơn”.
Không chỉ doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gas bị ảnh hưởng, tình trạng giá gas tăng cũng đang “làm khó” người dân và các cơ sở kinh doanh chuyên sử dụng gas.
Bà Trần Thị Đông ở thị trấn Nghèn (Can Lộc) đang tính sẽ chuyển sang dùng bếp điện do giá gas tăng cao
Bà Trần Thị Đông (khối phố 6, thị trấn Nghèn, Can Lộc) cho hay: "Vài năm trước, giá gas chỉ khoảng 300.000 đồng/bình 12 kg. Kể từ giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, giá gas bắt đầu tăng chóng mặt, có thời điểm gần 500.000 đồng/bình 12 kg. Đầu năm 2022, giá đã có giảm nhẹ nhưng giờ lại tăng trở lại. Với đà này, tôi đang tính sẽ chuyển sang nấu bếp điện để có sự ổn định hơn về giá”.
Nhà hàng vựa hải sản Hoàng Gia (TP Hà Tĩnh) bị đội chi phí do giá gas tăng cao
Tình trạng giá gas tăng cao hiện cũng đang tạo sức ép lớn đối với các nhà hàng, khách sạn, quán ăn trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Với đợt tăng giá gas tháng 11 này, vựa hải sản Hoàng Gia (đường Hàm Nghi kéo dài, TP Hà Tĩnh) bị “đội” chi phí sử dụng gas khoảng 1,8 triệu đồng/tháng.
Anh Lê Văn Lộc - Bếp trưởng vựa hải sản Hoàng Gia cho biết: “Bình quân mỗi tháng, cửa hàng tiêu thụ 20 bình gas loại 48 kg và 10 bình gas loại 12 kg. Cửa hàng vừa thay hệ thống gas mới thì giá đã tăng khiến cho chi phí đầu vào cũng “đội” lên. Chúng tôi đang tính sử dụng song song cả bếp gas và bếp điện để giảm chi phí”.
Tương tự, nhà hàng Quang Đại Dương (đường Hàm Nghi kéo dài, TP Hà Tĩnh) cũng đang tính toán, cân nhắc các phương án trước tình trạng giá gas tăng như hiện nay.
Nhà hàng Quang Đại Dương sử dụng khoảng 10 bình gas công nghiệp mỗi tháng
“Chúng tôi chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để bù lại khoản tăng giá gas. Trung bình mỗi tháng, nhà hàng sẽ phải bù thêm khoảng hơn 1 triệu đồng cho phần nhiên liệu nấu. Nếu tình trạng tăng giá còn tiếp diễn, chúng tôi sẽ tính đến phương án sử dụng bếp điện thay thế bếp gas” - anh Nguyễn Sỹ Quang, chủ nhà hàng Quang Đại Dương cho biết.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gas, giá gas trong nước đã, đang và sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng theo đà tăng giá nhiên liệu của thế giới và chịu tác động bởi nguồn cung khí hóa lỏng trên toàn cầu. Dự báo, giá nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi vậy, người dân Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phải chịu sức ép của giá cả “leo thang” cũng như cần cân nhắc các phương án sử dụng gas trong bối cảnh hiện nay.