Người dân đổ xăng tại góc đường Trần Cao Vân - Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần
Giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn không ngừng tăng sau khi vượt 90 USD một thùng từ đầu tháng 2. Chốt phiên 16/2, giá dầu Brent tương lai tăng 1,6%, lên 94,81 USD một thùng, còn dầu WTI cũng lên 93,66 USD một thùng. Căng thẳng Nga - Ukraine, địa chính trị tại các nước sản xuất dầu lớn ở Trung Đông... khiến nguồn cung “vàng đen” khan hiếm, đẩy giá tăng cao.
Từ phía cung - cầu và biến động địa chính trị, giới phân tích cho rằng, giá dầu có thể sớm vượt 100 USD một thùng. Bình quân cả năm, giá dầu khoảng 85-90 USD một thùng, tăng gần 20% so với mức trung bình năm ngoái.
Theo đà tăng này, giá xăng dầu bán lẻ tại thị trường trong nước đã lên mức cao nhất 8 năm, mỗi lít xăng RON 95 vượt 25.000 đồng.
“Giá dầu thô tăng sẽ có những tác động vừa tích cực, vừa tiêu cực tới kinh tế Việt Nam, nhưng ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn”, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận xét.
Ở khía cạnh tích cực, việc này sẽ giúp tăng khoản thu ngân sách từ dầu thô. Các khoản thu thuế từ xăng, dầu (thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt...) cũng sẽ tăng.
Năm 2021, thu ngân sách từ dầu thô khoảng 35.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,6% tổng thu ngân sách và vượt dự toán tới 65% nhờ giá dầu tăng mạnh. Bình quân giá dầu thanh toán năm ngoái đạt gần 68 USD một thùng, cao hơn khoảng 23 USD so với giá dự toán.
Số liệu này tiếp tục khả quan trong tháng 1 năm nay. Dữ liệu của Bộ Tài chính cho thấy, thu từ dầu thô tháng 1 ước đạt 3.900 tỷ đồng, tăng gần 45% so với cùng kỳ 2021, nhờ giá và sản lượng dầu thô tăng. Giá dầu của Việt Nam thanh toán trong kỳ bình quân đạt 75,6 USD mỗi thùng, cao hơn 15,6 USD so với dự toán và gần 49% so với cùng kỳ. Sản lượng dầu thô tháng 1 cũng tăng, đạt 710.000 tấn.
Về thuế, số thu từ thuế xuất nhập khẩu xăng dầu tháng 1 cũng tăng gần 17%.
Trong lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp ngành khai khoáng, nhất là khai thác dầu khí, đang đóng góp khoảng 8% GDP, cũng được hưởng lợi từ giá dầu. Giá năng lượng này diễn biến tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động khai thác thăm dò dầu khí, khối lượng công việc trong dài hạn của các doanh nghiệp “họ” dầu khí như Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS), Tổng công ty cổ phần khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD) cải thiện. Nhờ đó, doanh thu nhóm ngành này sẽ khả quan, kéo theo khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách của các đơn vị này tăng theo.
Ngược lại, giá dầu thô cũng như giá thành phẩm xăng dầu tăng mạnh sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê (GSO), kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu (nguồn này chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế). Vì thế, việc giá dầu thế giới vẫn trên đà tăng không ngừng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và trong nước.
TS Cấn Văn Lực cũng lo ngại chuyện tăng chi phí nhập khẩu xăng dầu, kéo theo tăng nhập siêu mặt hàng này. “Giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới cứ tăng như thế này sẽ khiến thâm hụt thương mại về xuất nhập khẩu xăng dầu gia tăng”, ông Lực nói. Năm 2021, nhập siêu từ các sản phẩm xăng dầu đạt khoảng 6,3 tỷ USD.
Mối lo khác nếu giá dầu thô đạt 100 USD mỗi thùng là sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp , nhất là lĩnh vực vận tải, sản xuất sử dụng xăng, dầu làm nguyên nhiên liệu đầu vào. Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,4-4% tổng chi phí sản xuất nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Với các lĩnh vực, ngành sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải, hàng không, đánh bắt thuỷ sản... giá xăng dầu tăng sẽ tác động rất mạnh. Riêng lĩnh vực vận tải, chi phí xăng dầu là 35-40%.
Còn với các doanh nghiệp lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lọc hoá dầu như PVOil, Petrolimex, Công ty cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR, đơn vị quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất) hay Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS)..., kết quả kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Báo cáo về triển vọng ngành dầu khí của SSI Research chỉ ra, giá dầu tăng quá cao sẽ tác động trực tiếp tới doanh thu, hàng tồn kho và biên lợi nhuận... của nhóm doanh nghiệp này.
Với các công ty sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào như điện khí, đạm..., giá dầu tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Nhưng các công ty đạm vẫn có khả năng tăng giá bán do nguồn cung tại Trung Quốc hạn chế.
Ngoài tác động trực tiếp đẩy giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá hàng hoá đi lên, tạo áp lực lên lạm phát , trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa trở lại và trên đà phục hồi kinh tế sau thời gian ảnh hưởng từ dịch bệnh.
“Giá xăng dầu tăng trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá hàng hoá tăng quá cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê (GSO) phân tích.
Ông Lâm tính toán, giá xăng dầu tăng khoảng 10% sẽ làm GDP giảm 0,5%, còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Là một trong hai cơ quan điều hành xăng dầu, đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận, việc giá xăng dầu tiếp tục leo thang, và nếu kịch bản giá dầu thô đạt 100 USD một thùng xảy ra sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế.
“Khi giá xăng dầu cao quá sẽ làm vô hiệu hoá một số chính sách tài khóa (như giảm 2% thuế VAT) để kích thích tiêu dùng trong chương trình phục hồi kinh tế”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nói với VnExpress .
Vì thế, nếu diễn biến giá thế giới vẫn leo thang, khi công cụ điều hành là Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn, liên Bộ Công Thương - Tài chính có thể sẽ phải tính tới công cụ khác là thuế, phí.
Hiện, tỷ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng dầu khoảng 40-43%. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tỷ lệ này so với nhiều quốc gia là “phù hợp”, nhưng giới chuyên gia phân tích lại nói “quá cao, cần nghiên cứu giảm xuống”.
Ông Cấn Văn Lực nói, cơ quan quản lý cần rà soát lại các loại thuế, phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu, như thuế xuất nhập khẩu, VAT, tiêu thụ đặc biệt..., với tỷ trọng lớn trong cơ cấu tính giá, đây là nhân tố khiến giá bán lẻ ở mức cao.
“Lạm phát ở đây chủ yếu do vấn đề giá cả chứ không phải cung tiền, nên các bộ, ngành cần phối hợp kiểm soát tốt hơn giá xăng dầu. Chính sách tài khoá - tiền tệ cần phối hợp linh hoạt, để kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá nhiên liệu năng lượng gia tăng”, ông nói.
Thực tế, đề xuất giảm thuế trong một lít xăng dầu từng được Bộ Công Thương nêu, nhưng Bộ Tài chính không đồng thuận do lo lắng nguồn thu ngân sách từ các loại thuế này giảm.