Giá dầu có thể tiếp tục tăng nữa vì nhân tố Iran chưa chắc chắn. (Đồ hoạ: Reuters)
Đàm phán để khôi phục thoả thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới trở nên bất định sau khi Nga yêu cầu Mỹ bảo đảm rằng những lệnh trừng phạt mà họ phải hứng chịu vì xung đột ở Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến thương mại với Tehran. Trung Quốc cũng nêu ra những yêu cầu mới.
Đáp lại đòi hỏi của Nga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua nói rằng những lệnh trừng phạt áp với Nga vì chiến dịch ở Ukraine không liên quan đến thoả thuận hạt nhân tiềm năng với Iran.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu đang cân nhắc cấm nhập dầu Nga, ông Blinken cho biết. Nhà Trắng đang phối hợp với các ủy ban của Quốc hội để soạn lệnh cấm của riêng Mỹ.
Giá dầu Brent tăng thêm 11,67 USD, tương đương 9%, lên 129,78 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI tăng thêm 10,83 USD, tương đương 9,4%, lên 126,51 USD/thùng, trở thành mức tăng cao nhất theo ngày kể từ tháng 5/2020.
Trong vài phút khi bắt đầu phiên giao dịch ngày 6/3, giá của cả hai loại dầu này đều tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, khi dầu Brent ở mức 139,13 USD và WTI lên 130,5 USD.
“Iran là nhân tố có khả năng giảm giá duy nhất cho thị trường, nhưng giờ thoả thuận với Iran bị trì hoãn, chúng ta có thể cạn dầu nhanh hơn nhiều nếu dầu của Nga bị loại khỏi thị trường trong thời gian dài” - Amrita Sen, đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu Energy Aspects, nhận định.
Các nhà phân tích của JP Morgan trong tuần này cho rằng giá dầu có thể tăng lên 185 USD trong năm nay.
Nga xuất khoảng 7 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm tinh chế mỗi ngày cho thị trường thế giới.
Các nhà phân tích của ngân hàng Bank of America nói rằng nếu nguồn dầu từ Nga gần như bị cắt đứt, thế giới sẽ thiếu ít nhất 5 triệu thùng mỗi ngày, nghĩa là giá dầu có thể tăng từ 100 USD lên 200 USD/thùng.
Iran sẽ phải mất vài tháng để khôi phục nguồn cung dầu ngay cả khi đã đạt được thoả thuận, giới phân tích nhận định.
Eurasia Group cho rằng Nga có thể dùng Iran làm kênh tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây để tiếp tục bán dầu.
Một yếu tố càng khiến giá dầu tăng là việc đóng cửa 2 giếng dầu El Feel và Sharara ở Libya, gây mất mát 330.000 thùng/ngày. Là một thành viên của OPEC, Libya khai thác khoảng 1,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong năm 2021, theo số liệu của Mỹ.
Các quan chức cấp cao Mỹ đã sang Venezuela hôm 5/3 để đối thoại với chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, nhằm thăm dò khả năng Caracas có sẵn sàng rời xa đồng minh Nga hay không.