Gia đình cách mạng mẫu mực ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tự hào với truyền thống cách mạng, gia đình ông Lê Văn Tấu (SN 1942, thôn Trung Văn, xã Thạch Văn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã gìn giữ, phát huy và truyền dạy cho con cháu những giá trị tinh thần tốt đẹp.

Gia đình cách mạng mẫu mực ở Hà Tĩnh

Ông Lê Văn Tấu thường kể những câu chuyện về truyền thống gia đình để con cháu giữ gìn và phát huy.

Ông Lê Văn Tấu là con trai cả của cụ Lê Văn Phúc (SN 1922, mất 2007) - một cán bộ tiền khởi nghĩa tiêu biểu và là một nhà hoạt động cách mạng sôi nổi lúc bấy giờ. Theo lời ông Tấu, khi còn trẻ, cụ Lê Văn Phúc là người có tướng mạo sáng sủa, hào sảng và được học hành bài bản. Năm ông Tấu lên 3 tuổi, cụ Phúc đã được Nhân dân địa phương cử làm “Thủ lĩnh thanh niên cứu quốc” tuần hành toàn xã, chuẩn bị cho việc thành lập chính quyền ở địa phương.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cụ Phúc được tín nhiệm và giữ nhiều vị trí công tác quan trọng như: Bí thư Đoàn thanh niên xã, Ủy viên HĐND xã, Trưởng ban Tuyên huấn Ban Chấp hành Thanh niên huyện, Hội thẩm Nhân dân Tòa án nhân dân huyện…, đóng góp lớn cho phong trào cách mạng của địa phương.

Gia đình cách mạng mẫu mực ở Hà Tĩnh

Cụ Lê Văn Phúc từng nhận nhiều huân chương, giấy khen của Nhà nước, các cấp, ngành

Suốt nhiều năm công tác, cụ Lê Văn Phúc đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Huân chương Kháng chiến hạng Ba trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành.

Ông Tấu chia sẻ: “Niềm tin vào cách mạng của cha tôi là tấm gương để con cháu noi theo. Trong số 6 người con của mình, cụ có 2 người con xung phong lên đường nhập ngũ, 1 người tham gia thanh niên xung phong, 3 người làm nghề giáo. Tất cả đều tận tâm đóng góp cho đất nước”.

Là con trai cả trong gia đình, ông Lê Văn Tấu đã sớm xung phong lên đường nhập ngũ và hành quân vào chiến trường B từ năm 1968. Trong quá trình tham gia chiến đấu, ông bị sức ép của bom làm bị thương và phải lui về hậu phương an dưỡng. Với những công lao của mình, ông Tấu đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

Gia đình cách mạng mẫu mực ở Hà Tĩnh

Trở về địa phương, ông Lê Văn Tấu luôn gương mẫu trong công tác và cuộc sống

Trở về địa phương, ông Lê Văn Tấu nhận công tác tại Lâm trường Chúc A (Hương Khê), Chi cục Thuế Cẩm Xuyên. Dù ở vị trí nào, ông cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nỗ lực nuôi dạy 4 người con ăn học nên người, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già yếu.

“Tôi luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, gương mẫu trong công tác và cuộc sống thường ngày. Tôi cũng thường xuyên kể cho các con cháu của mình về những năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc, đặc biệt là các mẩu chuyện về cuộc đời cách mạng của cha tôi cũng như của chính bản thân trong những ngày kháng chiến” - ông Tấu chia sẻ.

Gia đình cách mạng mẫu mực ở Hà Tĩnh

Con cháu chăm chỉ, ngoan ngoãn, luôn biết hướng về nguồn cội là niềm tự hào của gia đình ông Lê Văn Tấu.

Tự hào vì sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, các con của ông Lê Văn Tấu đều chăm chỉ, học hành bài bản, tạo dựng cuộc sống ổn định và công tác tại cơ quan, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành. Nhiều người cháu đã học hành đỗ đạt, theo học các ngành nghề giáo viên, công nghệ thông tin… tại các trường đại học.

Tới nay đã gần 80 tuổi, ông Tấu vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn, thường xuyên chăm sóc vườn tược và xem truyền hình, đọc báo để nắm bắt thông tin thời sự. Con cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo, luôn biết hướng về nguồn cội là niềm tự hào của gia đình ông Lê Văn Tấu.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.