Thương lái đưa xe tải về tận chân ruộng thu mua lúa xuân cho nông dân Hà Tĩnh.
Là một trong những hộ trồng lúa lớn ở xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà), đến thời điểm này, gia đình ông Đào Công Nhật (thôn Kim Sơn) đã thu hoạch xong 50% diện tích. Ông Nhật không giấu nổi niềm vui khi năng suất lúa xuân 2021 đạt cao và giá cũng chạm đỉnh so với nhiều năm qua.
Ông Nhật phấn khởi: “Nhà tôi trồng 1 mẫu lúa Xuân mai. Qua bao ngày đầu tư, chăm bón, chúng tôi thu về 3 tạ/sào, trong khi năm ngoái đạt từ 2,5 – 2,7 tạ/sào. Ngay từ đầu vụ, thương lái đã cho xe tải về tận chân ruộng thu mua lúa tươi cho bà con với giá 5.600 đồng/kg; còn vụ xuân năm ngoái cao nhất họ cũng chỉ mua với giá 5.200 đồng/kg”.
Ông Đào Công Nhật (xã Lưu Vĩnh Sơn - Thạch Hà) không giấu nổi niềm vui khi năng suất lúa và giá lúa vụ xuân cao.
Nếu như ông Nhật quyết định bán lúa tươi tại ruộng để giảm bớt gánh nặng vận chuyển, phơi phóng thì gia đình bà Dương Thị Hà (thôn Kim Sơn – xã Lưu Vĩnh Sơn) lại bán lúa khô nhờ thu hoạch những ngày gặp nắng.
Bà Hà phấn khởi bởi vụ xuân năm ngoái lúa khô giá cao nhất cũng chỉ được 6.500 đồng/kg, trong khi vụ này lúa đạt đỉnh 7.000 đồng/kg.
Nông dân Thạch Hà đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân.
Những ngày qua, không riêng gia đình ông Nhật, bà Hà mà nhiều hộ trồng lúa ở xã Lưu Vĩnh Sơn đều được thương lái bao tiêu rồi nhập cho Hợp tác xã Hạnh Cường (xã Thạch Bình – TP Hà Tĩnh).
Bà Nguyễn Thị Hạnh – Giám đốc Hợp tác xã Hạnh Cường thông tin: “Vụ này, chúng tôi thu mua lúa cho nông dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà… để xuất đi các tỉnh phía Bắc như: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam…
Lúa vụ xuân năm nay đẹp nên dễ thu mua, mỗi ngày hợp tác xã chốt từ 120 – 140 tấn lúa Khang dân và Xuân mai. Toàn vụ, chúng tôi dự kiến bao tiêu trên 5.500 tấn lúa cho bà con. Thực tế cho thấy, giá lúa vụ xuân 2021 đã chạm đỉnh trong nhiều năm qua khi lúa khô 7.000 đồng/kg, lúa tươi 5.600 ngàn đồng/kg".
Hợp tác xã Hạnh Cường (TP Hà Tĩnh) thu mua từ 120 – 140 tấn lúa mỗi ngày.
Những ngày này, nông dân thị trấn Nghèn (Can Lộc) đều đồng loạt ra đồng, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân để cung ứng cho thị trường.
Chị Nguyễn Thị Lành (tổ dân phố Hồng Vinh – thị trấn Nghèn) chia sẻ: “Vụ này, nhà tôi trồng 5 sào nếp 98 và 3 sào lúa Thiên ưu 8 đều cho năng suất cao (3 tạ/sào). Thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua đến đó nên bà con chúng tôi đỡ chi phí cho việc vận chuyển, phơi phóng. Giá lúa nếp hiện đạt 5.100 đồng/kg được xem là mức giá khá cao”.
Thương lái thu mua nếp tươi cho chị Nguyễn Thị Lành (thị trấn Nghèn - Can Lộc).
Hiện nay, nông dân huyện Kỳ Anh cũng đang tích cực thu hoạch, phơi phóng để bán lúa đầu mùa. Chị Tô Thị Nhài – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhài Duy (xã Kỳ Đồng) cho biết: “Chúng tôi bắt đầu thu mua lúa từ ngày 8/5 với khối lượng trên 30 tấn mỗi ngày. Nông dân huyện Kỳ Anh chủ yếu bán lúa khô với mức giá 7.000 đồng/kg (cao hơn khoảng 500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái)”.
Công nhân Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhài Duy (huyện Kỳ Anh) bốc lúa lên xe.
Theo ghi nhận, giá lúa vụ xuân này cao, một số loại lúa giá bán đã chạm đỉnh trong nhiều năm qua như: Khang dân, Xuân mai... Theo các thương lái, nguyên nhân giá lúa cao là bởi lúa năm nay đẹp, chắc, trong khi nhu cầu lớn.
Ngoài ra, cơn lũ lịch sử hồi tháng 10/2020 đã cuốn trôi và gây hư hỏng lượng lớn lúa gạo của bà con. Đây cũng là một yếu tố khiến giá lúa tăng cao ngay từ đầu vụ.
Giá lúa tăng cao là động lực để nông dân Hà Tĩnh tiếp tục tái đầu tư cho những mùa vụ tiếp theo.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn Hà Tĩnh, năng suất bình quân lúa vụ xuân 2021 của toàn tỉnh đạt khoảng 58 tạ/ha, cao hơn 2,36 tạ/ha so với vụ xuân 2020 và phá vỡ kỷ lục về năng suất trước đó.
Đây là điều kiện thuận lợi để các thương lái tiến hành bao tiêu. Còn với người nông dân Hà Tĩnh, lúa vừa được mùa vừa được giá là động lực để họ tiếp tục “bám đồng”, tái đầu tư với mục tiêu gia tăng giá trị sản xuất trong những mùa vụ tiếp theo.