Ảnh minh họa |
Theo Bộ Tài chính, dự án Luật dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2017, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tháng 8/2017, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2017.
Dự thảo quy định xăng sẽ chịu khung thuế bảo vệ môi trường từ 3.000-8.000 đồng/lít, cao hơn rất nhiều so với khung thuế hiện hành.
Theo Bộ Tài chính, mức thuế tối thiểu mới sẽ bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng. Còn mức thuế tối đa bằng 2 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành.
Hiện nay khung thuế bảo vệ môi trường với xăng tối đa là 4.000 đồng/lít và mức thuế bảo vệ môi trường xăng đang chịu là 3.000 đồng/lít.
Không chỉ mặt hàng xăng, các mặt hàng dầu cũng dự kiến tăng mạnh khung thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể, dự thảo quy định mức khung thuế bảo vệ môi trường với dầu diezel là từ 1.500-4.000 đồng/lít, gấp 2-3 lần khung thuế hiện hành (500-2.000 đồng/lít). Dầu mazut cũng tăng từ khung thuế 300-2.000 lên 900-4.000 đồng/lít.
Chỉ có dầu hỏa giữ nguyên mức 300-2.000 đồng/lít. Riêng dầu hỏa giữ như khung thuế hiện hành vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Một điểm đáng chú ý khác trong dự thảo là xăng E5, xăng E10, túi ni lông cũng nằm trong diện chịu thuế bảo vệ môi trường.
Xăng E5 có thể chịu khung thuế từ 2.700 đồng-7-200 đồng/lít, còn với xăng E10 là từ 2.500-6.800 đồng/lít.
Còn túi ni lông chịu khung thuế từ 40.000 đến 80.000 đồng/kg.
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện chính sách tài chính về bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững; góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ; khắc phục những vướng mắc của Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành; phù hợp với bối cảnh hội nhập và xu hướng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của các nước.
Cũng theo Bộ này, thời gian qua, thuế bảo vệ môi trường đã tạo thêm nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước, góp một phần chi đầu tư giải quyết các vấn đề môi trường, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ môi trường.
Trong các năm từ 2011 đến 2014, thuế bảo vệ môi trường ở mức khoảng 11.000-12.000 tỷ đồng, tới năm 2015 tăng lên hơn 27.000 tỷ đồng và năm 2016 là hơn 42.000 tỷ đồng.