Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng lần mới nhất vào chiều 11/1.
Chiều 11/1, liên Bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng Ron 95 tăng 451 đồng/lít, xăng E5 Ron 92 tăng 430 đồng/lít; dầu diesel tăng 271 đồng/lít; dầu hỏa tăng 370 đồng/lít.
Sau khi điều chỉnh, mức giá bán lẻ với xăng E5 Ron 92 là 15.948 đồng/lít và xăng Ron 95 là 16.930 đồng/lít; dầu diesel 12.647 đồng/lít; dầu hỏa 11.558 đồng/lít.
Như vậy, đây là lần tăng giá thứ 4 liên tiếp của xăng E5 Ron 92 và xăng Ron 95, đồng nghĩa với giá xăng hiện tại ở mức cao nhất trong vòng hơn 9 tháng qua.
Giá xăng, dầu “leo thang” liên tục khiến nhiều người dân, doanh nghiệp lo lắng khi chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh bị “đội” lên, nhất là đối với các doanh nghiệp vận tải.
Xăng, dầu tăng giá liên tục gây áp lực lớn đối với doanh nghiệp vận tải hành khách.
Anh Trần Thái Vũ - quản lý nhà xe Thiên Hà (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Xăng, dầu tăng giá gây sức ép rất lớn bởi chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 30 - 40% chi phí sản xuất. Với 7 đầu xe hoạt động chạy tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội, chúng tôi phải trả một khoản rất lớn cho nhiên liệu. Dịp gần tết, nhu cầu đi lại nhiều hơn nhưng xăng, dầu tăng giá liên tục nên chi phí đầu vào tính ra cũng bị tăng lên nhiều, trong khi cước vận tải thì không thể tăng để bù vào”.
Theo đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải (TP Hà Tĩnh), tuy giá xăng, dầu tăng nhưng giá bán sản phẩm không tăng được do thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai. Giai đoạn này, doanh nghiệp xác định phải chia sẻ những khó khăn chung của nền kinh tế, giảm bớt phần lợi nhuận để đảm bảo duy trì được doanh thu, giữ vững thu nhập và việc làm cho người lao động.
Hiện giá xăng, dầu tăng trở lại nhưng doanh nghiệp vẫn cơ bản đảm bảo chi phí hạch toán giá thành sản xuất. Trong trường hợp giá xăng dầu tăng tỷ trọng lớn thì doanh nghiệp sẽ phải đàm phán với nhà cung cấp, nhà phân phối để tăng giá vận tải trở lại.
Xăng E5 Ron 92 và xăng Ron 95 tăng giá 4 lần liên tiếp theo chu kỳ điều chỉnh 15 ngày/lần.
Đối với bà con ngư dân, giá xăng, dầu tăng là nỗi ám ảnh bởi mỗi chuyến ra khơi, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 65% chi phí chuyến đi.
Anh Lê Văn Sơn (xã Xuân Hội, Nghi Xuân) bộc bạch: “Tàu chúng tôi là tàu vỏ thép dài 25m, mỗi chuyến ra khơi 10 ngày thường tiêu tốn 3.500 lít dầu diesel, hết khoảng 60 triệu đồng. Chi phí dầu là nhiều nhất trong tổng chi phí mỗi chuyến ra khơi. Mỗi lần giá dầu tăng chỉ 400- 500 đồng/lít, nghe thì không nhiều nhưng lượng dầu sử dụng lớn nên tính ra số tiền tăng lên là khá lớn".
Giá xăng tăng tác động trực tiếp đến chi tiêu của người dân.
Không chỉ gây áp lực trực tiếp khi chi phí “nuôi” phương tiện đi lại và chi phí sản xuất tăng, giá xăng, dầu tăng còn khiến người dân lo lắng mặt bằng giá cả các mặt hàng tiêu dùng sẽ “tát nước theo... xăng”.
Chị Thu Hà (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) – nhân viên văn phòng tại thành phố Vinh (Nghệ An) chia sẻ: “Mỗi ngày tôi đi làm bằng xe máy hơn 30km nên chi phí xăng xe tính ra khá nhiều. Tiền lương mỗi tháng chỉ được 6 triệu đồng trong khi còn phải trang trải sinh hoạt nên tôi phải tính toán chi tiêu rất kỹ.
Việc giá xăng tăng liên tục là gánh nặng với nhiều người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp. Giá xăng tăng liên tiếp 4 lần, đáng lo nhất là hiệu ứng tăng giá dây chuyền các sản phẩm, dịch vụ khác. Như vậy chi phí sinh hoạt sẽ tăng lên”.