Taxi tăng cước
Hà Tĩnh hiện có 5 hãng taxi gia nhập Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Tĩnh, gồm Mai Linh, Hà Tĩnh, Rồng Việt, Lam Hồng và Phú Thành… với trên 300 đầu xe hoạt động trên địa bàn Hà Tĩnh. Nhiều nhất là hãng taxi Mai Linh Hà Tĩnh với khoảng 135 chiếc, tiếp đến là Hà Tĩnh, Lam Hồng, mỗi đơn vị khoảng 50 chiếc, Rồng Việt 45 chiếc và Phú Thành 25 chiếc.
Ngày 30/3, các hãng taxi đã họp tại Hiệp hội, thống nhất điều chỉnh tăng cước để bù lỗ. Theo đó, chỉ có hãng Mai Linh giữ nguyên giá "mở cửa” (cho 600m đầu) là 11.000 đồng, còn lại, tất cả các hãng khác đều tăng giá "mở cửa” (cho 800m đầu) từ 11.000 lên 13.000 đồng; từ km tiếp theo đến hết km thứ 30, tất các hãng đều tăng từ 11.000 (giá cũ) lên thành 11.700 đồng/ km; từ trên km thứ 31 trở đi tăng từ 9.000 đồng lên thành 9.500 đồng/km. Như vậy, nếu khách hàng đi đến km thứ 30 phải chi thêm 21.000 đồng/ chuyến; đi hết 100 km, chi phí khách hàng phải trả sẽ tăng thêm khoảng 55.000 đồng so với trước khi xăng chưa lên giá.
Giá xăng tăng, các hãng taxi tăng theo là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, theo một số khách hàng, việc tăng giá đến 700 đồng/km (cho 30 km đầu) và 500 đồng/km (cho km thứ 31 trở đi) so với giá cũ là quá cao. Bởi, với các loại xe nhỏ như các hãng taxi tại Hà Tĩnh đang sử dụng, tính thoải mái lắm, 100 km cũng chỉ tiêu tốn khoảng 7 lít xăng. Với giá xăng tăng 1.430 đồng/lít so với trước, chi phí tiền xăng tăng thêm cho 100 km cũng chỉ khoảng 10.000 đồng; và nếu đi 30 km đầu, chi phí chỉ tăng thêm 3.000 tiền xăng so với trước. Mức giá này, theo nhiều người dân, là các hãng taxi đang có dịp… làm lãi!
Vận tải hành khách đường dài đang… đợi
Trong khi các hãng taxi dễ dàng thống nhất điều chỉnh giá mới rất sớm kể từ khi xăng dầu tăng giá, thì các hãng vận tải hành khách (cả đường dài và nội tỉnh) vẫn đang đợi một cuộc họp để thống nhất giá. Từ hơn 10 ngày nay, các công ty, cá nhân chạy xe khách đang phải chịu thêm một phần chi phí khá lớn từ tiền xăng dầu tăng giá mà chưa thể tăng giá vé.
Vận tải hành khách đường dài chuẩn bị tăng giá. |
Ông Lê Đức Thọ - Giám đốc Công ty CP Vận tải Thọ Lam (Hương Sơn) cho biết, Công ty có hàng chục đầu xe do các cổ đông đóng góp nên chi phí tăng thêm do tăng giá xăng dầu là rất lớn. Chỉ tính riêng 4 chiếc xe giường tầng chạy tuyến Hương Sơn – TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi chuyến, mỗi chiếc phải tăng thêm 1,5 triệu tiền dầu (từ 19,5 triệu đồng lên 21 triệu đồng).
Thế nhưng, hiện tại, giá vé vẫn chưa tăng nên chi phí doanh nghiệp tăng thêm là rất lớn. Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Giám đốc Công ty TNHH Dũng Bình cũng cho biết: “Công ty tôi có 3 chiếc xe giường nằm chạy tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội. Từ hôm tăng giá dầu, mỗi chuyến phải chi thêm khoảng 1,6 triệu tiền dầu so với trước. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ họp để đi đến thống nhất trong Hiệp hội”.
Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Tĩnh, ông Trần Quốc Toản cho biết: “Đến thời điểm này, tất cả các hãng taxi đã tăng giá nhưng xe khách thì chỉ mới duy nhất nhà xe Dũng Minh (chạy tuyến Hà Tĩnh –Hà Nội) điều chỉnh vé tăng từ 180 lên 200 ngàn đồng.
Theo ông Toản, hiện tại mới có 4 công ty xe khách đề nghị họp tăng giá nhưng do số lượng còn ít nên Hiệp hội đang chờ. Nhiều khả năng, trong tháng 4 này, các hội viên là các doanh nghiệp vận tải hành khách cũng sẽ họp để đề xuất tăng giá cước mới, bù đắp chi phí do tăng giá xăng dầu.
Việc tăng giá cước vận tải khi giá xăng dầu tăng là hoàn toàn hợp lý. Nhưng, tăng như thế nào, tăng bao nhiêu…, là vấn đề mà các cơ quan liên quan cần tính toán và có sự giám sát, quản lý để hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và khách hàng.