Chị Trần Thị Lan ở xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh (áo xanh) mong các mặt hàng giảm giá để đỡ áp lực chi tiêu.
Tan tầm, chị Trần Thị Lan (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) tranh thủ ghé siêu thị mua thực phẩm. Chị vừa nhẩm tính, cân đối thức ăn cho đủ số tiền đem theo. “Xăng giảm nhiều lần nên tôi cứ đinh ninh hàng hóa cũng giảm theo. Ấy vậy mà… giá vẫn neo cao. Mỗi lần đi chợ tôi chỉ mong giá các mặt hàng giảm xuống để việc chọn đồ được thoải mái hơn, bớt đắn đo hay tìm cách tiết kiệm chi phí sinh hoạt” – chị Lan bộc bạch.
Chị Lê Thị Huyền - chủ sạp thịt lợn tại chợ TP Hà Tĩnh cho biết: "Mức giảm của giá xăng dầu chỉ mới diễn ra gần đây, chưa đủ để tác động đến giá thịt lợn ngoài chợ. Hơn nữa, giá thịt lợn chịu ảnh hưởng lớn từ nguồn cung, giá lợn hơi ở từng thời điểm. Vài ngày tới giá lợn hơi sẽ có thể sẽ tiếp tục tăng nên giá bán lẻ thịt lợn sẽ khó mà giảm được. Hiện tại, giá lợn hơi ở Hà Tĩnh đang trên đà tăng cao, dao động từ 65 - 72 nghìn đồng/kg. Điều này đã kéo theo giá bán lẻ thịt thành phẩm ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh tăng thêm từ 20 - 30 nghìn đồng/kg so với hồi đầu tháng 7. Hiện, giá bán lẻ dao động ở mức 110 - 130 nghìn đồng/kg”.
Giá thịt lợn liên tục lập đỉnh.
Tương tự, các mặt hàng rau củ tại chợ dân sinh cũng vẫn đứng nguyên giá, một số loại còn biến động. Nhiều tiểu thương cho rằng, khó có thể điều chỉnh giá rau xanh ngay khi mà giá cước vận chuyển chưa thay đổi.
Chị Phan Thị Hà - tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Giá rau xanh chúng tôi nhập thay đổi từng ngày. Xăng dầu tăng giá liên tục, rau xanh cũng tăng theo gấp 2 lần. Ấy thế mà bây giờ, sau khi xăng dầu đã giảm mạnh 2 lần liên tiếp, giá rau xanh vẫn chẳng thấy giảm chút nào. Cụ thể, sau khi giá xăng dầu tăng giá, các loại rau, củ quả như hành lá tăng từ 35.000 lên 42.000 đồng/kg; cà chua từ 25.000 lên 30.000 đồng/kg; bí xanh từ 20.000 lên 25.000 đồng/kg; rau muống từ 5.000 lên 10.000 đồng/bó, cải thảo từ 15.000 lên 22.000 đồng/kg, hành tỏi tăng 3.000 đồng/kg,...”.
Không nằm ngoài đà chững lại, tại tiệm tạp hoá, chợ dân sinh giá đồ khô vẫn giữ ở mức cao. Giá tăng cao nhất là dầu ăn với mức tăng khoảng 6.000 - 7.000 đồng/chai, lý do giá mua vào từ nhà phân phối cao.
Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các bà nội trợ, mà còn làm tăng chi phí đầu vào thêm vài triệu đồng của cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống khiến các tiểu thương vẫn chưa vội điều chỉnh lại giá bán.
Theo chị Phan Thị Hà, giá rau xanh có loại tăng thêm, có loại giữ nguyên.
Chị Đỗ Thu Thủy - chủ cửa hàng bún, phở trên đường Xuân Diệu, TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Ngày xưa, xương lợn có giá 25.000 đồng/kg bây giờ lên 30.000 đồng/kg. Thịt lợn từ 90.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá các loại gia vị, nước mắm, dầu ăn cũng tăng từ 5 - 10% tùy loại. Mỗi thứ lên một tý, nên tôi chưa thể tính toán giảm các mặt hàng bún, phở giá về mức cũ. Hiện mỗi tô bún, phở dao động 35.000 - 40.000 đồng, tăng 5.000 đồng so với trước kia. Mức giá này được tôi điều chỉnh từ cuối tháng 6 để ứng phó với giá các mặt hàng đầu vào".
Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh, Vinmart cho biết, các đơn vị vẫn theo sát tình hình giá xăng dầu để tiến hành đàm phán với các nhà cung cấp về việc điều chỉnh giảm giá các mặt hàng ở mức hợp lý, đặc biệt là sản phẩm chịu ảnh hưởng từ xăng dầu nhiều như thủy, hải sản đánh bắt.
Trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa cho biết: “Trước tình hình biến động giá cả như hiện nay, Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan cập nhật tình hình cân đối cung cầu, giá cả thị trường; thường xuyên nắm bắt diễn biến hoạt động mua bán trên địa bàn, kịp thời báo cáo về tình hình thị trường, giá cả, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu; mở kênh tiếp nhận thông tin để chỉ đạo điều tiết hàng hóa, tránh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có kế hoạch, giải pháp dự trữ hàng hoá đa dạng, đủ số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân; khai thác nguồn hàng, thực hiện các chương trình bình ổn giá, khuyến mãi”.