Ảnh minh họa
Chiều 13/6, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, thay vào ngày 11/6 trùng vào ngày nghỉ.
Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 800 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng/lít và xăng RON 95 là 32.370 đồng/lít.
Như vậy, đây là đợt tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 12 của mặt hàng này trong nửa đầu năm 2022. Hiện, giá bán lẻ các loại xăng tiếp tục lập đỉnh mới, riêng xăng RON 95 vượt mốc 32.000 đồng/lít, cao hơn mức thiết lập kỳ điều hành 1/6 vừa qua.
Đáng chú ý, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này được điều chỉnh tăng rất mạnh 2.490-2.630 đồng/lít. Theo đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel 29.020 đồng/lít, dầu hỏa là 27.830 đồng/kg. Còn, dầu mazut giảm về 20.350 đồng/kg.
Ở kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành chi quỹ bình ổn với xăng, dầu 100-400 đồng/lít, trừ dầu mazut.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, hết quý I, quỹ bình ổn xăng dầu âm khoảng 170 tỷ đồng. Tại một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn đang bị âm quỹ như: Petrolimex âm 5 tỷ đồng; PVOil âm hơn 1.013 tỷ đồng tính đến ngày 1/6.
Sau khi xuất hiện thông tin Malaysia - nước có giá xăng 13.000 đồng/lít muốn xuất khẩu mặt hàng này sang Việt Nam trong bối cảnh giá xăng trong nước tăng cao kỷ lục, ngày 11/6, văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương thông tin về giá xăng dầu và khả năng cung cấp xăng dầu của Malaysia cho Việt Nam.
Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên theo dõi kỹ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xem xét, xử lý theo quy định.
Về thị trường dầu thế giới, gần đây giá dầu đã điều chỉnh do những lo ngại về việc Trung Quốc tái phong tỏa một số khu vực ở Thượng Hải. Theo dữ liệu của Trading Economics ngày hôm nay (13/6), giá dầu Brent giao dịch ở mức 119,66 USD/thùng, dầu WTI ở mức 118,33 USD/thùng, giảm nhẹ so với ngày 12/6. Trước đó, ngày 9/6, giá dầu thô Brent có thời điểm tăng lên 124,36 USD/thùng; dầu WTI có lúc được giao dịch trên ngưỡng 123 USD/thùng.
“Tuy vậy, bất cứ rủi ro giảm giá nào đối với thị trường dầu đều không đáng kể. Bởi nguồn cung thực của cả các sản phẩm thô lẫn tinh chế trên toàn cầu đều eo hẹp. Đó vẫn là những động lực mạnh mẽ cho đà tăng giá”, ông Jeffrey Halley - chuyên gia tài chính tại Asia Pacific Oanda (có trụ sở ở Singapore) - bình luận với Zing.
Mới đây, UAE - thành viên chủ chốt của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) - tuyên bố giá dầu sẽ còn thiết lập kỷ lục mới. Nguyên nhân là nhu cầu ở Trung Quốc sẽ phục hồi, làm thắt chặt hơn nữa thị trường dầu toàn cầu vốn đang chao đảo vì nguồn cung khan hiếm.