Chỉ cần trận mưa vừa là Khu đô thị Sông Đà lại ngập băng
Ngập úng cục bộ
Cứ vào mùa mưa, ông Nguyễn Văn Chiến (tổ dân phố 9, phường Trần Phú) lại lo “ngay ngáy” chuyện ngập lụt. Với hệ thống thoát nước thải dùng chung cho cả thoát nước mưa, mỗi khi diễn ra tình trạng ngập úng cục bộ, ông Chiến và nhiều người dân sống tại khu đô thị Sông Đà lại phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường do rác thải từ cống thoát ra bề mặt.
Ông Chiến chia sẻ: “Cứ mưa lớn liên tục trong nhiều ngày là khu vực này lại bị ngập vì nước mưa và nước thải thoát chung một tuyến kênh. Hệ thống kênh thoát ở đây lại đầu tư chắp vá, không kết nối được với nhau nên việc thoát nước rất chậm”.
Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ ở khu đô thị Sông Đà, hệ thống thoát nước trong dân cư của khu vực hiện “thiếu kết nối” với tuyến kênh chính. Trong khi đó, tuyến kênh chính là tuyến kênh đất hở, có kích thước nhỏ, hướng tuyến chưa hợp lý... nên không phát huy được hiệu quả.
Ông Hồ Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND phường Trần Phú cho biết: “Tại tuyến kênh chính, hàng năm, địa phương vẫn tổ chức nạo vét, dỡ bỏ cây cỏ, bèo rác... nhằm tăng khả năng thoát lũ, tuy nhiên, không cải thiện được nhiều. Khu vực này đã và sẽ hình thành các khu dân cư đô thị theo quy hoạch nên việc xây dựng tuyến thoát ra cống Hói Sổ (phường Thạch Linh) là mong muốn của người dân và chính quyền địa phương”.
Kênh phía Tây thành phố sẽ chạy song song với kênh tưới tiêu của phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh).
Giải pháp chống ngập
Không chỉ là mong muốn của cư dân và chính quyền địa phương, xây dựng kênh thoát nước phía Tây thành phố cũng là yêu cầu cấp bách trong tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) như hiện nay. Theo đó, dự án IWMC Hà Tĩnh đã đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng tuyến kênh thoát nước phía Tây thành phố Hà Tĩnh.
Tuyến kênh có tổng chiều dài 1,7 km, trong đó: tuyến chính dài 1,5 km (điểm đầu là khu đô thị Sông Đà - phía Đông kênh tưới N19 và điểm cuối là cống Hói Sổ); tuyến nhánh dài 200m (điểm đầu là khu đô thị Sông Đà, điểm cuối đấu vuông góc với tuyến chính). Tổng chi phí đầu tư cho công trình khoảng 19,8 tỷ đồng.
Trong quá trình thiết kế, công trình sẽ được tư vấn tính toán cụ thể các yếu tố kỹ thuật như cao độ, độ dốc, năng lực phục vụ, đồng thời, xử lý về kiến trúc cảnh quan phù hợp, thân thiện môi trường. Theo đó, yếu tố BĐKH, kịch bản BĐKH và các ý tưởng quy hoạch sẽ được tích hợp.
Ông Trần Đình Quang - điều phối viên dự án cho biết: “Tuyến kênh phía Tây thành phố hiện đang được tư vấn thiết kế. Công trình dự kiến khởi công trong năm 2017 và đầu năm 2018 sẽ đi vào hoạt động. Thành phố đang đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công ích, tìm kiếm các giải pháp PPP cho lĩnh vực dịch vụ đô thị, đấu thầu cạnh tranh thực hiện các dịch vụ này nên công trình hoàn thành sẽ được vận hành hiệu quả và bền vững”.
Về công tác GPMB, mặc dù nằm trên hành lang tuyến kênh cũ nhưng quy mô lớn hơn, vì vậy, dự án sẽ phải thu hồi đất, GPMB. Diện tích đất phải thu hồi hiện do phường quản lý, không có hộ dân nào phải di dời nhà cửa, tái định cư. TP Hà Tĩnh cam kết thực hiện công tác GPMB đáp ứng yêu cầu của dự án, hỗ trợ trong quá trình thi công.