Những ngày này, con đường dẫn vào nhà thờ dòng họ Nguyễn Sỹ đại tôn ở thôn Thanh Tân (xã Thạch Châu) đã được trang hoàng cờ hoa, đèn lồng rực rỡ.
Lối vào nhà thờ họ Nguyễn Sỹ đại tôn (xã Thạch Châu) rợp cờ hoa ngày rằm tháng Giêng.
Ông Nguyễn Sỹ Hải - tộc trưởng dòng họ Nguyễn Sỹ đại tôn cho biết: “Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị là đến thủ tục chồng cỗ cao. Mỗi chi sẽ được giao làm một cỗ chồng để cúng tại nhà thờ họ từ chiều hôm trước đến trưa ngày hôm sau. Sáng 14 tháng Giêng, khi con cháu đã tập trung đầy đủ, trưởng tộc sẽ thực hiện lễ tiến cỗ tế xuân để mời tổ tiên và các bậc tiền nhân về từ đường”.
Mọi người trong dòng họ thay nhau dọn dẹp, sửa soạn ban thờ.
Chồng cỗ cao là một nét văn hóa độc đáo của dòng họ Nguyễn Sỹ đại tôn cũng như nhiều dòng họ ở Thạch Châu mỗi dịp lễ tết. Những mâm cỗ cao nhiều tầng được chuẩn bị công phu từ khâu chọn nguyên liệu, xếp cỗ, trang trí thể hiện bàn tay khéo léo, tài hoa và tấm lòng thành kính của cháu con dâng lên tổ tiên.
Trong tục chồng cỗ thì “gà bay” là một điểm nhấn độc đáo. Gà được uốn theo các thế gà bay, quỳ, ngồi, gà đậu cành trúc, gà ngậm hoa cúc… rất ấn tượng. Sau lễ tiến cỗ tế xuân, con cháu dòng họ sẽ quây quần liên hoan tiệc mặn, gặp gỡ khách mời là thông gia, bạn bè, làng xóm, giao lưu văn nghệ, thể thao…
Những mâm cỗ cúng rằm nhiều tầng với lễ vật “gà bay” là nét văn hóa độc đáo của nhiều dòng họ ở xã Thạch Châu.
Cũng là một trong những dòng họ lớn ở xã Thạch Châu, việc cúng rằm tháng Giêng đã trở thành nghi thức không thể thiếu của dòng họ Lê Văn (thôn Kim Ngọc). Con cháu nội ngoại đúng ngày đã định đều mang cỗ cúng được chuẩn bị chu đáo, tỉ mẩn về nhà thờ họ dâng lên ông bà tổ tiên với lòng thành kính, biết ơn.
“Con cháu đông, nhiều người làm ăn tận miền Bắc, miền Nam nhưng nếu không về được dịp tết thì Rằm tháng Giêng thể nào cũng sắp xếp về tham dự lễ cúng. Đây là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, cầu mong một năm an lành, hạnh phúc và cũng là dịp anh em họ tộc quây quần, sum vầy” - anh Lê Văn Quý (một người con dòng họ) chia sẻ.
Nhiều vật phẩm như bánh chưng, hoa quả... cũng được con cháu chuẩn bị dâng cúng lên ông bà tổ tiên.
Nếu như các dòng họ lớn có cách thức tổ chức hoành tráng thì các dòng họ nhỏ, ít con cháu lại có cách tổ chức đơn giản nhưng cũng không kém phần thành kính, trang nghiêm.
Ông Lê Đình Hân (dòng họ Lê Đình - thôn Kim Ngọc) cho biết: “Cúng Rằm tháng Giêng là một trong những truyền thống của dòng họ. Dù không tổ chức quy mô lớn nhưng năm nào con cháu nội ngoại cũng đều sum vầy, thành kính thắp hương cho ông bà tổ tiên. Đó cũng là cách chúng tôi gắn kết anh em dòng tộc, gìn giữ gia phong”.
Dịp này, gia phả của dòng họ cũng được bổ sung.
Ngoài nghi lễ cúng tổ tiên, Rằm tháng Giêng cũng là dịp để gia phả - tài sản thiêng liêng lưu truyền từ đời này sang đời khác của mỗi dòng họ được các thế hệ con cháu bổ sung, hoàn thiện. Qua gia phả, các thế hệ cháu con không chỉ nhớ đến tên tuổi, thân thế của từng người trong dòng họ, mà còn nhớ đến những ngày húy kỵ, mộ táng của ông bà tổ tiên.
Nhiều dòng họ còn truyền tụng cho nhau gia phong, gia huấn để khuyên răn mọi người giữ gìn nếp sống, khuyến khích con cháu học hành, tu dưỡng để làm rạng danh dòng tộc.
Cúng họ ngày rằm đã trở thành nghi thức tâm linh quen thuộc để người dân xã Thạch Châu thể hiện lòng thành kính tổ tiên, gắn kết dòng tộc và gìn giữ gia phong.
Dù mỗi dòng họ có cách thức tổ chức khác nhau nhưng tục cúng họ ngày rằm đã thực sự trở thành một nghi thức quen thuộc trong đời sống tâm linh từ bao đời nay của người dân xã Thạch Châu, là cách mà mỗi người con hướng về nguồn cội với cả tấm lòng thành kính, biết ơn.