Giá xăng dầu tại Mỹ lên mức cao kỉ lục. Ảnh: THX/TTXVN
Theo khảo sát do tờ Financial Times (FT) kết hợp với Sáng kiến Thị trường Toàn cầu (IGM) thuộc Đại học Kinh doanh Chicago (Mỹ), có đến gần 70% chuyên gia kinh tế thuộc diện thăm dò nhận định kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm tới. Kết quả này cho thấy những “cơn gió ngược” mà nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đối mặt sau khi từng ghi nhận mức phục hồi tăng trưởng ấn tượng nhất trong lịch sử thời hậu COVID-19.
Lạm phát tại Mỹ trong tháng 5 vừa qua đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng lớn nhất trong hơn 40 năm. Để xử lý điểm nghẽn lạm phát, FED từ hồi tháng 3 đến nay đã tăng lãi suất cơ bản lên mức 0,75% từ mức gần 0%. Ủy ban Thị trường mở liên bang thuộc FED sẽ có cuộc họp kéo dài trong hai ngày, từ 14-15/6. Tại đây, nhiều khả năng nhà điều hành sẽ tiếp tục đưa ra quyết định tăng 0,5 điểm phần trăm lãi suất và sẽ tiếp tục tăng trong các phiên họp điều hành cho tới tháng 9.
Khảo sát do FT-IGM thực hiện cho thấy 40% trên tổng số chuyên gia được hỏi ý kiến dự đoán Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) sẽ ra tuyên bố về suy thoái kinh tế trong quý 1 hoặc quý 2 năm 2023. Khoảng 33% cho rằng tuyên bố suy thoái sẽ được công bố trong nửa cuối năm 2023.
NBER là một tổ chức tư nhân, hoạt động phi lợi nhuận, chuyên về đánh giá điểm khởi đầu và kết thúc suy thoái kinh tế. Theo cách tiếp cận của NBER, "sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trên khắp các lĩnh vực, kéo dài trong nhiều tháng và thể hiện qua các chỉ số như GDP thực, thu nhập thực, tỉ lệ thất nghiệp, sản xuất công nghiệp, bán buôn - bán lẻ...”.
Kết quả khảo sát, kỳ thăm dò được tiến hành từ 6-9/6, đi ngược lại quan điểm của FED vốn cho rằng cơ quan này có thể kiềm chế lạm phát mà không gây ra tổn thất lớn về tăng trưởng. Chủ tịch FED Jay Powell từng thừa nhận nỗ lực kiềm chế làm phát của cơ quan này có thể tạo ra khó khăn nhất định, nhưng đó là “cú hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ.
Giới chuyên gia quan ngại tác động tiêu cực về kinh tế sẽ lớn hơn nhiều so với nhận định của FED, khi xét đến mức độ nghiêm trọng của lạm phát, cùng với đó là xu hướng thắt chặt tiền tệ đang được FED triển khai.
“Đây không phải là cú hạ cánh của máy bay trên đường băng thông thường, mà là cú hạ cánh trên dây thừng, với gió thổi rất mạnh”, Tara Sinclair, chuyên gia kinh tế tại Đại học George Washington nhìn nhận. Theo ông, ý tưởng về tăng thu nhập vừa phải, giảm chi tiêu vừa phải để đưa chỉ số giá tiêu dùng về 2% theo mục tiêu mà FED đề ra là không thực tế.
So với kỳ khảo sát hồi tháng 2 vừa qua, ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế thuận theo quan điểm coi lạm phát lõi tại Mỹ sẽ vượt mức 3% trong năm 2022. Căng thẳng địa chính trị cùng với đà tăng giá năng lượng sẽ chuyển động cùng nhịp với lạm phát và được xác định là nhân tố chi phối đẩy lạm phát tăng cao trong vòng 12 tháng tới. Kế đến là nhân tố về đứt gãy nguồn cung kéo dài.
Gần 40% chuyên gia kinh tế được khảo sát cảnh báo FED sẽ thất bại trong mục tiêu kiểm soát lạm phát nếu chỉ dựa vào tăng lãi suất, lên mức 2,8% vào cuối năm nay. Để đưa lãi suất lên mức này, FED sẽ phải ba lần tăng lãi suất trong các phiên họp chính sách tháng 6, tháng 7 và tháng 9, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm, cùng với đó là hai lần tăng nhẹ 0,25 điểm phần trăm trong cuối năm.
Christiane Baumeister, giáo sư kinh tế tại Đại học Notre Dame ở Indiana (Mỹ) nhận định FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm tới, đẩy mức lãi suất cơ bản lên khoảng 4% tại thời điểm cuối năm 2023. Mức này vượt dự báo của đa phần các chuyên gia kinh tế được khảo sát về mức đỉnh lãi suất trong chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ lần này của FED.