Giúp phạm nhân tìm "lối về" qua những trang sách

(Baohatinh.vn) - Cảm xúc ăn năn về quá khứ lỗi lầm và ước vọng tốt đẹp hướng tới tương lai của các phạm nhân Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) được thể hiện đậm nét tại Cuộc thi "Viết cảm nhận về sách".

Cuộc thi "Viết cảm nhận về sách" năm 2024 do Thư viện Hà Tĩnh phối hợp với Trại giam Xuân Hà (thuộc Cục C10 - Bộ Công an) tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Sách đến với phạm nhân” thuộc khuôn khổ chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thư viện cho phạm nhân giữa Sở VH-TT&DL và Trại giam Xuân Hà.

a1-2730.jpg
Giám đốc Thư viện Hà Tĩnh Mai Quốc Quyền quán triệt công tác chấm bài thi đến các thành viên Ban Giám khảo cuộc thi.

Được phát động từ tháng 5-9/2024, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tham gia đông đảo của các phạm nhân đang chấp hành án phạt tại Trại giam Xuân Hà. Sau 4 tháng triển khai, Ban Tổ chức đã nhận được 413 bài thi. Trải qua các vòng chấm chọn, có 25 bài thi lọt vào chung kết và được Ban Tổ chức chọn trao giải, gồm: 1 giải đặc biệt, 1 giải nhất, 5 giải nhì, 7 giải ba và 11 giải khuyến khích.

Chị Bùi Thị Hồng Nhung (Cán bộ Thư viện tỉnh, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi) cho biết: "Khi tiếp nhận chấm chọn, chúng tôi khá bất ngờ và ấn tượng với các bài viết của các phạm nhân. Hầu hết các bài thi đều được thể hiện chỉn chu, từ chữ viết đến nội dung trình bày, cách thể hiện cảm xúc, mong ước. Các thí sinh là phạm nhân đang chấp hành án tại 2 phân trại của Trại giam Xuân Hà đều bày tỏ ý nghĩa, giá trị của việc đọc sách giúp bản thân nhận thức sâu sắc về những lỗi lầm đã gây ra và quyết tâm tìm lại chính mình cùng những ước mơ vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi chấp hành xong án phạt. Mỗi trang viết là một câu chuyện, một cuộc đời được chia sẻ chân thành, xúc động, đưa đến nhiều cung bậc cảm xúc, lắng đọng trong lòng người đọc".

a2-4605.jpg
Sau 4 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 413 bài thi của các phạm nhân.

Theo thể lệ cuộc thi, các thí sinh chọn một cuốn sách tâm đắc đã được đọc tại thư viện trại giam, tóm tắt nội dung, giá trị của cuốn sách, nêu những hiểu biết, cảm nhận từ đó liên hệ với bản thân và bày tỏ suy nghĩ của mình.

Từ những kiến thức, sự nhận thức của bản thân sau khi được đọc các cuốn sách trong trại giam, nhiều phạm nhân đã thể hiện bài thi của mình một cách sâu sắc, ấn tượng. Tiêu biểu như bài viết về cuốn sách "Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng" của phạm nhân N.V.N.L (SN 1985) đang chấp hành án 10 năm tại phân trại số 2.

Tác giả viết: "Nhiều đêm gục đầu vào bóng tôi, tôi tự hỏi vì đâu nên nỗi, vì đâu tôi đánh mất mình để rơi vào con đường tội lỗi. Nhưng nhờ sự quan tâm, giáo dục của cán bộ, nhờ những trang sách mà tôi tìm cho mình động lực để vươn lên, để hoàn thiện bản thân. Trong đó, cuốn sách "Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng" đã cho tôi niềm tin, hy vọng về tương lai tươi sáng hơn... Nhìn lại quá khứ, điều tôi hối tiếc nhất là đã đánh mất khoảng thời gian quý báu để chăm sóc 2 con thơ, bố mẹ già... Nhưng 2 con hãy tin bố, bố sẽ đứng dậy sau vấp ngã, sẽ trở về thắp sáng lại ngọn lửa hướng thiện, sẽ vươn mình về phía ánh sáng mặt trời...".

b1-276.jpg
Trích một phần bài thi đạt giải của phạm nhân T.T.D đang chấp hành án tại phân trại 2 (Trại giam Xuân Hà)

Còn phạm nhân T.T.D (SN 1989) đang chấp hành án 18 năm, tại phân trại 1 (Trại giam Xuân Hà) viết: "Mỗi cuốn sách mang một thông điệp riêng mà khi chú tâm đọc, suy ngẫm, tôi tìm được sự cân bằng cuộc sống. Một trong những cuốn sách ý nghĩa tôi đọc được tại thư viện trại giam là "Hạt giống tâm hồn - Tình yêu thương gia đình"... Nhiều đêm khi chỉ còn lại mình trong nỗi nhớ gia đình, những day dứt, hối hận lại ùa về trong tôi. Bao điều đặt ra với từ nếu như... Nhưng rồi cuốn sách giúp tôi nhận ra rằng, chán nản, dằn vặt không giúp tôi vơi bớt đi mặc cảm tội lỗi. Tôi phải vực dậy chính bản thân mình, mạnh mẽ sửa chữa những lỗi lầm, đứng lên làm lại cuộc đời...".

Trại giam Xuân Hà hiện có hơn 2.300 phạm nhân chấp hành án tại 2 phân trại. Thời gian qua, trại giam đã phối hợp với Thư viện tỉnh thường xuyên thực hiện trao đổi, luân chuyển sách nói riêng, tài nguyên thông tin nói chung và nhiều hoạt động khuyến khích văn hóa đọc. Để giúp các phạm nhân tham gia cuộc thi, ngay sau khi phát động, Ban Giám đốc Trại giam Xuân Hà đã tạo nhiều điều kiện hỗ trợ.

a3-7913.jpg
Các phạm nhân Trại giam Xuân Hà đọc sách tại Thư viện lưu động của Thư viện Hà Tĩnh.

Thiếu tá Lê Trọng Ban - Cán bộ Đội Giáo dục hồ sơ (Trại giam Xuân Hà) cho biết: "Để tạo điều kiện cho các phạm nhân tham gia cuộc thi, ngoài thời gian đọc sách theo quy định vào thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần tại thư viện trại giam, chúng tôi còn cho phạm nhân mượn sách về phòng; tăng cường mở cửa thư viện vào giờ nghỉ trưa, ngày nghỉ khác; cung cấp giấy bút cho phạm nhân làm bài thi... Cuộc thi là dịp để các phạm nhân thể hiện sự hiểu biết, nhận thức về lỗi lầm, qua đó tạo động lực chấp hành nghiêm túc án phạt, cải tạo tốt để có cơ hội trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, cũng tạo sự lan tỏa văn hóa đọc trong các phạm nhân tại trại giam".

Theo kế hoạch, lễ công bố và trao giải cuộc thi "Viết cảm nhận về sách" năm 2024 dành cho các phạm nhân sẽ được Thư viện tỉnh phối hợp với Trại giam Xuân Hà tổ chức vào cuối tháng 10/2024.

Sau nhiều năm gián đoạn, năm nay, chúng tôi khởi động lại cuộc thi "Viết cảm nhận về sách" năm 2024, dành cho phạm nhân tại Trại giam Xuân Hà. Những kết quả đạt được, nhất là từ hàng trăm bài thi cho thấy hiệu quả và ý nghĩa của việc phối hợp giữa thư viện và trại giam trong lan tỏa văn hóa đọc đến các phạm nhân đang chấp hành án.

Việc giúp những người lầm lỗi tiếp cận tri thức thông qua nguồn tài nguyên thông tin thư viện có ý nghĩa hết sức nhân văn. Đây là phương thức cảm hóa, giáo dục hình thành nên sự thay đổi tích cực tự thân trong mỗi phạm nhân, tạo cơ hội hướng thiện để khi hoàn thành án, các phạm nhân có thêm bản lĩnh hòa nhập cộng đồng. Thành công của cuộc thi cũng là động lực để Thư viện tỉnh tăng cường hơn nữa trong việc mang nguồn tài nguyên thông tin đến các trại giam cũng như lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng, trong thời gian tới.

Ông Mai Quốc Quyền - Giám đốc Thư viện Hà Tĩnh

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.