Xe chiến đấu PT-76 Việt Nam. |
Tập đoàn công nghệ Rostec của Nga vừa giới thiệu mẫu đạn pháo thông minh, sản phẩm của phòng thiết kế NPO Pribor. Bề ngoài của đạn giống hệt những quả đạn thông thường, điểm khác biệt nằm ở ngòi nổ kích cỡ nhỏ được trang bị trí thông minh nhân tạo (AI).
Ngòi AI sẽ lập trình thời gian phát nổ của quả đạn trước khi rời nòng pháo. Thời điểm nổ được tính toán tự động bởi máy tính điều khiển dựa vào thông số như khoảng cách tới mục tiêu, hướng gió và độ ẩm không khí.
Khi tới gần mục tiêu, loại đạn văng mảnh này sẽ được kích nổ và bắn ra hàng nghìn viên bi nhỏ như một đám mây có khả năng tiêu diệt khí tài của đối phương, đặc biệt là những thiết bị nhỏ như flycam và máy bay không người lái (UAV), ông Sergey Rusakov, đại diện của Rostec cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, quá trình thiết kế đạn đã hoàn tất và sắp được thử nghiệm trên thực địa. Ở giai đoạn đầu tiên, loại đạn này sẽ được thử nghiệm trên module pháo tự động AU-220M Baikal cỡ nòng 57 mm, theo ông Sergey Rusakov.
Việc tháp pháo AU-220M được trang bị loại đạn thông minh mới sẽ mang lại sức tấn công mạnh mẽ và tin cậy hơn rất nhiều cho những loại xe chiến đấu được trang bị, trong đó có xe PT-76 của Việt Nam.
Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Tập đoàn nhà nước Rosoboronexport của Nga cũng cung cấp gói nâng cấp khung thân và tháp pháo xe PT-76. Theo đó, xe sẽ được trang bị tháp pháo AU-220M, hệ thống vũ khí cao tốc lắp pháo 57mm có bộ ổn định toàn phần, thiết bị giảm giật đầu nòng giúp giảm đáng kể lực giật khi bắn".
Tháp pháo AU-220M được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu Trung ương Burevestnik thuộc hãng chế tạo xe tăng nổi tiếng Uralvagonzavod (UVZ) dành cho các dòng xe thiết giáp cả mới lẫn đang trong quá trình cải tiến. Module này được trang bị một pháo tự động 57mm và một súng máy 7,62mm lắp trên giá điều khiển từ xa.
Đáng lưu ý, theo trang mạng Army-Technology thì tháp pháo AU-220M thế hệ mới này hoàn toàn có thể trang bị cho các xe tăng hạng nhẹ lội nước PT-76 được sản xuất từ những năm 1950 mà Việt Nam đang sử dụng số lượng lớn trong lực lượng tăng thiết giáp Lục quân và Hải quân.
Các xe tăng PT-76 hiện nay hầu như đều được trang bị tháp pháo kiểu cũ lắp pháo 76,2mm D-56TM có tầm bắn hiệu quả 1.500m. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên nhận được PT-76, nhưng chỉ sử dụng chúng trong thực chiến 8 năm sau khi nhận vào trang bị.
Hỏa lực chính của PT-76 gồm pháo 76,2 mm, súng máy đồng trục 7,62 mm. Có thể tăng cường súng phòng không 12,7 mm. Ở Việt Nam, xe tăng PT-76 đã tham gia nhiều chiến dịch như chiến dịch đường 9 Nam Lào, chiến dịch An Lộc và hiệp đồng binh chủng trong nhiều chiến dịch lớn.
Quân đội Việt Nam cũng đã sử dụng các xe tăng này trong cuộc xung đột ở Campuchia. Và hiện nay, theo các đánh giá khác nhau, trong quân đội Việt Nam có gần 300 xe tăng bơi này.
Hiện tại quân đội Việt Nam cũng đã có những nâng cấp cho xe tăng lội nước PT-76 như thay thế hệ thống súng máy, nâng cấp động cơ, hệ thống giáp của xe tăng.