Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ động liên hệ cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương và sở công thương các tỉnh biên giới phía Bắc cập nhật tình hình, phổ biến tới các doanh nghiệp, đơn vị xuất nhập khẩu trên địa bàn nhằm chủ động điều chỉnh nhịp độ đưa hàng hóa lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu. Theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình lưu thông, tập trung hàng hóa nông sản tại cửa khẩu nhằm tổ chức, phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan để kịp thời tham mưu các biện pháp điều tiết, quản lý phương tiện đưa hàng lên cửa khẩu.
Người dân xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thu hoạch dưa hấu.
Sở NN&PTNT chủ động hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các thủ tục để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số hoặc các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa phù hợp với quy định tiêu chuẩn nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Thường xuyên liên hệ cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT; phối hợp Sở Công Thương để cung cấp thông tin, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Sở KH&CN hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, xuất khẩu nông sản đăng ký bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý nhằm đáp ứng hàng rào kỹ thuật trong thương mại của nước xuất khẩu. Thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản phù hợp với yêu cầu trong nước và của nước xuất khẩu.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nhu cầu thị trường và các quy định, tiêu chuẩn hàng hóa để tổ chức sản xuất phù hợp, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch; tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc để các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch xuất khẩu hàng hóa.
UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn để nắm bắt tình hình, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tham gia sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản hiệu quả.
Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh chủ động nắm bắt tình hình, có kế hoạch điều tiết hàng hóa lên phía cửa khẩu một cách hợp lý để tránh phát sinh thêm các chi phí lưu kho bãi. Cân nhắc việc lựa chọn, chuyển đổi phương thức vận tải ngoài đường bộ (như đường sắt) hoặc lựa chọn cửa khẩu phù hợp để giảm thiểu tình trạng chờ đỗ dài ngày, giảm thiểu rủi ro hàng hóa bị hư hỏng cho doanh nghiệp. Thực hiện tốt việc nghiêm chỉnh chấp hành công tác điều tiết của lực lượng chức năng tại cửa khẩu để giải quyết tình trạng ùn tắc, kê khai đúng và đủ các thủ tục thông quan theo quy định, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu…
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương kịp thời tổng hợp, phản ánh về Sở Công Thương để tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định. |