Video: Chợ hoa, cây cảnh lớn nhất Hà Tĩnh thưa vắng người mua
Tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và khu vực xung quanh công viên Trần Phú ở phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) là một trong những địa điểm quen thuộc thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm các loại hoa, cây cảnh vào mỗi độ tết đến, xuân về. Đây cũng được xem là chợ hoa, cây cảnh lớn nhất ở Hà Tĩnh. Ảnh chụp chiều 18/1 (27 tết).
Dịp tết Nguyên đán Quý Mão, các loại hoa, cây cảnh đủ mọi chủng loại, mẫu mã được các hộ kinh doanh nhập về để phục vụ người dân. Ngoài các loại hoa, cây cảnh truyền thống như: đào, mai, quất, năm nay còn nhiều loại khác như: lan, nhất chi mai, bưởi cảnh, với đủ các mức giá, từ vài ba trăm nghìn tới hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Ảnh chụp chiều 18/1 (27 tết).
Các loại hoa, cây cảnh với đủ sắc xuân cùng “tụ hội” khiến cho tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và khu vực xung quanh công viên Trần Phú thời gian này cũng trở nên rực rỡ hơn. Ảnh chụp chiều 18/1 (27 tết).
Tuy vậy, khác với những năm trước, dù chỉ còn vài ba ngày nữa là tới tết Nguyên đán Quý Mão nhưng trên gương mặt của những người kinh doanh đang hiện rõ vẻ lo lắng bởi sức tiêu thụ hoa, cây cảnh khá chậm khi thưa vắng người mua. Ảnh chụp chiều 18/1 (27 tết).
“Tôi nhập về gần 70 chậu quất cảnh với đủ các mức giá, từ 500.000 tới vài ba triệu đồng. Chừng này năm ngoái, dù ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhưng tôi cũng đã bán được gần hết số hàng còn năm nay, đã 27 tết nhưng chỉ mới bán được chưa tới 15 gốc” - ông Nguyễn Xuân Thắng (SN 1973, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) chia sẻ.
Nhận định năm nay hết dịch bệnh, dân tình sẽ mua sắm, chơi tết nhiều hơn nên anh Nguyễn Văn Anh (SN 1987, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) nhập về hơn 50 chậu mai Bình Định với số vốn bỏ ra gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, tới giờ, anh mới bán được ít chậu mai nhỏ, chưa thấm vào đâu so với số vốn đã bỏ ra. Ảnh chụp chiều 18/1 (27 tết).
“Chưa nói tới người mua, ngay cả người đi xem cũng giảm hẳn so với những năm trước. Chưa có tết nào mà cảnh buôn bán lại ế ẩm như năm nay. Lượng người mua thời điểm này so với mọi năm phải giảm 40 - 60%, trong khi các chi phí như: mua cây, vận chuyển, bốc dỡ hàng, lại tăng hơn trước” - anh Trần Văn Kiều (SN 1990, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh), người buôn bán quất cảnh, chia sẻ.
Theo đánh giá của các hộ kinh doanh hoa, cây cảnh, thời tiết mưa rét vào những ngày giáp tết Nguyên đán Quý Mão không phải là nguyên nhân chính khiến sức tiêu thụ hàng hóa chậm, mà chủ yếu là tình hình kinh tế trong năm qua gặp nhiều khó khăn khiến người dân, doanh nghiệp không quá "mạnh tay" vào mua sắm hoa, cây cảnh chưng Tết. Ảnh chụp chiều 18/1 (27 Tết).
Trước cảnh buôn bán ế ẩm khiến các hộ kinh doanh ở Hà Tĩnh như “ngồi trên đống lửa”, nhất là với những người bỏ ra số tiền lớn nhập về các loại hoa, cây cảnh có giá thành cao, như đào cổ thụ, bưởi Văn Giang, nhất chi mai hay mai vàng Bình Định. Trong ảnh: Những chậu bưởi cảnh Văn Giang có giá từ 20 - 30 triệu đồng vẫn đang chờ khách mua. Ảnh chụp chiều 18/1 (27 Tết).
Sức tiêu thụ chậm cũng kéo theo giá thành các loại hoa, cây cảnh ở Hà Tĩnh mềm hơn so với những ngày đầu chưng bán từ 200.000 - 500.000 đồng tùy từng loại. Các hộ kinh doanh cũng “dễ tính” hơn trong quá trình thương lượng giá cả. Ảnh chụp chiều 18/1 (27 tết).
Thời điểm này, các hộ kinh doanh mong muốn thời tiết sẽ tốt hơn, có lạnh nhưng đừng mưa để người dân có thể thoải mái đi lại, mua sắm hoa, cây cảnh chưng tết. Ảnh chụp chiều 18/1 (27 tết).