Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng chủ trì hội nghị
Theo Quyết định 2434/QĐ-UBND của UBND tỉnh, kế hoạch đến hết năm 2016 phải chuyển đổi 128 chợ; đến nay đã hoàn thành 113 chợ/127 chợ, đạt 89% so với kế hoạch. Về phương thức chuyển đổi, có 32 chợ chuyển đổi mô hình quản lý gắn với chuyển quyền sở hữu tài sản (chiếm 28,32%, vượt 22 chợ so với hế hoạch của tỉnh), 81 chợ chuyển đổi không gắn với chuyển quyền sở hữu tài sản chợ (chiếm 71,68%).
Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Lê Văn Bình: Sau chuyển đổi bộ máy tinh gọn và hiệu quả hơn, việc kinh doanh và mua sắm thuận lợi hơn
Về hình thức chuyển đổi, có 6 chợ thực hiện theo hình thức đấu thầu (kế hoạch 22 chợ); 107 chợ thực hiện theo hình thức giao quản lý (chiếm 94,69%). Về loại hình quản lý, có 21 chợ do doanh nghiệp quản lý (chiếm 18,58%) và 92 chợ do HTX quản lý (chiếm 81,42%).
Giai đoạn 2014 - 2017, toàn tỉnh xây dựng mới 30 chợ, nâng cấp cải tạo 84 chợ. Trong đó có 68 chợ thực hiện đầu tư xây dựng sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác. Tổng kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng chợ đạt 1.353 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách 287 tỷ đồng (chiếm 21,2%), nguồn xã hội hóa huy động từ các đơn vị quản lý chợ đạt 1.066 tỷ đồng (chiếm 78,8%).
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Quốc Hương: Mặc dù đã chuyển đổi nhưng việc chuyển giao cho các HTX quản lý vẫn còn nhiều hạn chế. Sở Công thương cần tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực quản lý cho các BQL chợ.
Nhìn chung, sau 3 năm quyết liệt thực hiện công tác xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, tình hình phát triển và quản lý chợ trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp đã giúp việc mua bán được diễn ra thuận tiện, an toàn, việc quản lý chợ khoa học và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc khi đến nay toàn tỉnh vẫn còn 14 chợ chưa chuyển đổi, trong đó nhiều nhất là Lộc Hà (5 chợ), TP Hà Tĩnh (4 chợ).
TGĐ Công ty CP Song Ngư Sơn Giang Đình Phạm Thị Thanh Hà: Địa phương cần sớm hoàn thiện các điều kiện cần thiết, bàn giao chợ Giang Đình để chúng tôi triển khai đầu tư, nâng cấp, chuyển đổi.
Tại hội nghị, đại diện các huyện, thị, thành phố đã chia sẻ những khó khăn, hiệu quả, bài học kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn. Các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn việc khai thác chợ.
PGĐ Sở xây dựng Trần Hậu Thành: Các địa phương cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thu hút tiểu thương kinh doanh tại chợ sau khi hoàn thành.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng khẳng định, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ thời gian qua đã tạo nên hiệu quả về mặt xã hội. Tuy nhiên, một số chợ sau chuyển đổi còn lúng túng trong quản lý, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề chuyển đổi mô hình quản lý chợ, đặc biệt là chợ hạng 2, hạng 3.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, thời gian tới cần quyết liệt hoàn thành nhưng phải thực chất, tránh hình thức. Đối với chợ hạng 1, Sở Công thương và các ngành liên quan phải rà soát xây dựng phương án để có lộ trình thực hiện. Đối với chợ cấp 2, cấp 3, các huyện rà soát hiện trạng và kế hoạch liên quan để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Những chợ nằm trong kế hoạch chuyển đổi, cần nghiên cứu một số mô hình chuyển đổi phù hợp. Quy hoạch cần dành không gian để tổ chức các hoạt động cộng đồng. Cần tăng cường tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các ban quản lý chợ và nâng cao văn hoá kinh doanh cho tiểu thương.