Tàu cá HT-90382 TS của ông Nguyễn Tiến Sỹ (thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên) khai thác sai vùng biển bị BĐBP bắt giữ ngày 8/3.
Kiên trì tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân
Tranh thủ lúc biển động, các tàu cá vào bờ neo đậu nhiều, cán bộ, chiến sỹ (CBCS) ở Đội Vận động quần chúng và Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa Sót (Đồn Biên phòng Cửa Sót) đã ra cầu cảng, âu thuyền, địa bàn tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân đánh bắt đúng quy định gắn với kiểm tra, giám sát phương tiện.
Lực lượng chức năng cũng phối hợp Ban Quản lý các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh và lực lượng khác tập trung nhắc nhở, chấn chỉnh các tàu làm nghề giã cào phải đánh bắt đúng vùng biển quy định, không sử dụng chất nổ, xung điện.
BĐBP Thiên Cầm xuống tận nơi tàu giã cào địa phương neo đậu để tuyên truyền, nhắc nhở đánh bắt đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Long (thôn Long Hải, xã Thạch Kim, Lộc Hà) - chủ tàu HT 90149 TS cho biết: “Tàu chúng tôi có công suất 210 CV, làm nghề giã cào, mỗi chuyến bám biển 2 ngày với 8 - 10 lao động.
Vì hoạt động nghề “nhạy cảm” nên chúng tôi thường xuyên được BĐBP đến kiểm tra phương tiện, trang thiết bị, công tác đảm bảo an toàn và nhắc nhở phải chấp hành pháp luật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, chúng tôi đã nâng cao được nhận thức, có ý thức chấp hành nghiêm, khai thác hải sản đúng vùng biển quy định”.
BĐBP Cửa Sót tuần tra âu thuyền, cảng cá gắn với tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân.
Được giao quản lý, bảo vệ vùng biển có hoạt động tàu giã cào phức tạp, Đồn Biên phòng Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) cũng luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, chấn chỉnh ngư dân và đã mang đến hiệu quả tích cực.
Ngư dân Nguyễn Văn Diện (xã Cẩm Nhượng) chia sẻ: “Trước đây, thuyền của tôi làm nghề giã cào nhưng khi được BĐBP tuyên truyền, động viên, chúng tôi đã quyết định chuyển đổi sang hình thức khai thác khác. Trong quá trình sản xuất trên biển, thấy tàu thuyền nào của bà con ngư dân trong vùng dùng kích điện, mìn hay đánh bắt sai vùng là tôi góp ý, nhắc nhở họ; khi thấy tàu giã cào ngoại tỉnh vi phạm thì tôi thông báo ngay cho BĐBP xử lý”.
BĐBP Đèo Ngang xuống âu thuyền Kỳ Phương nắm tình hình tàu giã cào hoạt động trên biển.
Với tinh thần “mưa dầm thấm lâu”, “giáo dục, nhắc nhở là chính”, các đơn vị biên phòng đóng quân trên tuyến biển Hà Tĩnh khác như: Đồn Biên phòng Lạch Kèn (Nghi Xuân); Đồn Biên phòng Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh); Đồn Biên phòng Đèo Ngang, Ban Chỉ huy Biên phòng cảng Vũng Áng – Sơn Dương và Hải đội 2 (thị xã Kỳ Anh)... cũng luôn đặc biệt quan tâm đến việc ngăn chặn tàu giã cào bằng phương pháp “mềm”.
Theo đó, các đơn vị biên phòng đã bám địa bàn để tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở gắn với cài cắm lực lượng, nắm bắt thông tin, nghe ngóng tình hình hoạt động của tàu giã cào trên biển. Qua công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, mỗi năm ngư dân đã cung cấp cho BĐBP khoảng 400 – 500 tin báo, trong đó có hàng trăm thông tin có giá trị để đấu tranh với tàu giã cào.
BĐBP Lạch Kèn xuống biển tuyên truyền pháp luật và nhắc nhở ngư dân đánh bắt vùng lộng cung cấp thông tin kịp thời khi thấy tàu giã cào hoạt động gần bờ.
Thiếu tá Hồ Mạnh Hùng – Chính trị viên Đồn Biên phòng Lạch Kèn thông tin: “Cùng với việc tổ chức những cuộc tuyên truyền có quy mô, chuyên sâu, bài bản (8 - 9 cuộc/năm), chúng tôi còn lồng nghép vào các hội nghị của thôn xóm, các buổi sinh hoạt cộng đồng, sử dụng hệ thống loa phát thanh và xuống tận thuyền, đến tận nhà để phát tờ rơi, thông tin các quy định về xử phạt (khoảng 45 - 50 cuộc/năm)...
Nhờ vậy, các ngư dân làm nghề giã cào trên địa bàn đã chấp hành pháp luật tốt hơn, đại đa số ngư dân đã có ý thức bảo vệ tài nguyên biển, đánh bắt đúng quy định, giữ thông tin thường xuyên với BĐBP và tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý
Mặc dù đã giảm nhiều nhưng tình trạng tàu giã cào đánh bắt sai vùng biển, sử dụng các hình thức đánh bắt bị cấm vẫn đang diễn ra trên vùng biển Hà Tĩnh. Điều này không chỉ gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, hủy diệt môi trường sinh thái mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của ngư dân đánh bắt vùng lộng, gây bức xúc trong dư luận và khó khăn trong việc gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Vì vậy, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, BĐBP Hà Tĩnh đang quyết liệt đấu tranh trực diện để chấn chỉnh, kiểm soát vấn nạn này.
Phát hiện BĐBP thực thi nhiệm vụ, tàu giã cào TH-92148 TS của ông Hoàng Văn Viên (Thanh Hóa) hoạt động sai vùng biển đã tăng tốc bỏ chạy (chiều ngày 9/3).
Thiếu tá Nguyễn Công Hường – Đội trưởng Đội Kiểm soát Biên phòng Cửa Nhượng cho biết: “Công tác đấu tranh trực diện với tàu giã cào đánh bắt sai quy định đang gặp khó khăn do phương tiện của đơn vị nhỏ, việc trưng dụng tàu thuyền của ngư dân địa phương gặp khó, các tàu giã cào hoạt động liều lĩnh, có đông người (10 - 15 người/tàu) nên khi gặp lực lượng chức năng quân số ít hơn sẽ chống trả, bỏ chạy... Nhưng với nhiệm vụ được giao, chúng tôi đã thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát, truy đuổi, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vị phạm.
Mới đây nhất (từ ngày 8 - 10/3), đơn vị chúng tôi đã phối hợp xây dựng phương án, bố trí lực lượng và phương tiện để bắt giữ 8 tàu giã cào (7 tàu của ngư dân Cẩm Xuyên, 1 tàu của ngư dân Thanh Hóa) hoạt động sai vùng biển quy định. Các tàu cá này đã bị xử phạt hành chính với tổng tiền trên 70 triệu đồng và yêu cầu ký cam kết không tái phạm”.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ bị bắt cùng phương tiện và tang vật khi đánh bắt sai vùng biển quy định (ngày 8/3).
Với chức trách và nhiệm vụ của mình, Đồn Biên phòng Cửa Sót (Lộc Hà) cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn tàu giã cào đánh bắt sai quy định trên vùng biển Thạch Hà và Lộc Hà. Qua công tác tuần tra kết hợp nguồn tin báo của ngư dân, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã bắt giữ, xử lý 3 tàu giã cào đánh bắt hải sản sai vùng biển quy định, xử phạt hành chính 45 triệu đồng.
Thời gian qua, 7 đơn vị biên phòng tuyến biển Hà Tĩnh đã tích cực đấu tranh trực diện để ngăn chặn quyết liệt tàu giã cào vi phạm pháp luật. Từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị biên phòng đã tổ chức được 110 cuộc/hơn 1.000 lượt CBCS tham gia tuần tra trên biển; hơn 1.000 lượt (mỗi lượt 3 – 5 CBCS) tuần tra cửa sông, cửa lạch, âu thuyền, khu vực nhạy cảm. Qua đó, đã phát hiện, đẩy đuổi hàng trăm tàu thuyền vi phạm, bắt giữ 25 tàu thuyền, xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng.
Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Nhượng kiểm soát tàu giã cào ngay từ khâu làm thủ tục xuất lạch.
Đại tá Bùi Hồng Thanh – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đánh giá: “Dù bà con ngư dân đã có ý thức hơn nhưng vẫn còn tình trạng tàu giã cào hoạt động sai vùng biển quy định và sử dụng xung điện, chất nổ đánh bắt tận diệt. Để bà con đánh bắt an toàn, bền vững, có ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, chúng tôi đã vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, bằng nhiều giải pháp đồng bộ như tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, tuần tra, bắt giữ, xử phạt..."
Tàu giã cào của ngư dân Nghệ An sử dụng kích điện, đánh bắt sai vùng quy định bị Đồn Biên phòng Cửa Sót phát hiện, xử lý (tháng 6/2022).
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị tuyến biển tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, ý thức ngăn chặn giã cào cho ngư dân. Tổ chức lực lượng kiểm soát chặt chẽ từ khi ngư dân xuất bến đến trở về và thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên biển, nhất là những vùng biển có nguy cơ cao và các tàu thuyền có dấu hiệu vi phạm. Tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm tra, triệt xóa các “đường dây” cung cấp phương tiện, dụng cụ, tổ chức cho ngư dân đánh bắt sai quy định pháp luật” - Đại tá Bùi Hồng Thanh cho biết thêm.