Hà Tĩnh luôn xem văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển

(Baohatinh.vn) - 78 năm trôi qua, kể từ ngày đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khởi thảo “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, những vấn đề lý luận về văn hóa của Đảng vẫn luôn có giá trị thực tiễn, được phát triển, nâng tầm trong quá trình xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Nền văn hóa dân tộc, khoa học và đại chúng

“Đề cương về văn hóa Việt Nam” được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ của Đảng, của toàn dân.

Hà Tĩnh luôn xem văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển

Bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. (Ảnh: Baotanglichsu.vn)

Suốt 78 năm qua, Đảng ta luôn kiên trì lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà theo 3 nguyên tắc vận động: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa, luôn đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế, để từ đó cụ thể hóa thành các đường lối, mục tiêu cụ thể.

Tháng 7/1998, Đảng ta tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là sự phát triển thêm một bước mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam dân tộc, khoa học và đại chúng, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhưng vẫn không làm mai một, nhạt nhòa truyền thống văn hóa ngàn đời của cha ông.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII ra đời trong bối cảnh Đảng ta lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, trong đó có văn hóa. Nghị quyết đưa ra 5 quan điểm có giá trị về lý luận và thực tiễn, trong đó nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH; nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Hà Tĩnh luôn xem văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển

Lãnh đạo huyện Thạch Hà trao thưởng cho các điển hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” diễn ra vào chiều 19/11.

Ngày 9/6/2014, Đảng ta ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Thêm một lần nữa, những vấn đề thuộc về văn hóa, con người được Đảng ta đề cao trong quá trình xây dựng đất nước nhằm khơi dậy nguồn lực nội sinh to lớn.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (đầu năm 2021), tư duy lý luận và quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng ta về văn hóa một lần nữa được kế thừa, bổ sung và phát triển ngày càng toàn diện, sâu sắc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đại hội khẳng định quan điểm chỉ đạo: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển KT-XH là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; bảo đảm QPAN là trọng yếu, thường xuyên”.

Xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Hà Tĩnh nổi danh là vùng đất văn hóa và cách mạng. Người Hà Tĩnh từ xưa đến nay đều giàu lòng yêu nước và tự tôn dân tộc, đi đầu bước trước trong mọi cuộc cách mạng, gan góc, kiên cường đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt và ngoại xâm, có truyền thống hiếu học, coi trọng văn chương khoa bảng, thủy chung, nhân nghĩa và bao dung, tâm hồn trong sáng, lạc quan, yêu đời.

Vùng đất này đã sản sinh và nuôi dưỡng biết bao anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa làm rạng danh đất Việt. Hà Tĩnh có hệ thống di sản vật thể và phi vật thể phong phú, đồ sộ, đậm đà bản sắc. Đó là nguồn tài nguyên to lớn trong quá trình phát triển của tỉnh.

Hà Tĩnh luôn xem văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển

Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của ca trù ở Hà Tĩnh đã góp phần to lớn vào công cuộc giữ di sản này của đất nước. Ảnh tư liệu

Thực hiện các nghị quyết của Đảng về văn hóa, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Hà Tĩnh đã nhanh chóng cụ thể hóa bằng các hành động cụ thể và đã đạt được những kết quả to lớn. Ngày 5/10/1998, Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5.

Ánh sáng của các nghị quyết nhanh chóng được các cấp ủy Đảng, chính quyền đón nhận và lan tỏa sâu rộng trong toàn dân, trở thành động lực cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Những giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được gìn giữ, nhân rộng.

Hệ thống di sản phi vật thể được bảo tồn và phát huy: dân ca ví, giặm, ca trù trở thành di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và cần được bảo vệ khẩn cấp. Mộc bản Trường Lưu và Hoàng Hoa sứ trình đồ trở thành di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Đại thi hào Nguyễn Du được UNESCO kỷ niệm và vinh danh. Phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu. Các thiết chế văn hóa được xây dựng, củng cố và ngày càng hoàn thiện.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW), Hà Tĩnh tiếp tục định hướng xây dựng văn hóa, con người với những nét chung và bản sắc riêng. Nét nổi bật trong xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh những năm gần đây là gắn với phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”.

Hà Tĩnh luôn xem văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển

Nét nổi bật trong xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh những năm gần đây là gắn với phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”.

Những phẩm chất tốt đẹp của con người Hà Tĩnh nhanh chóng được phát huy trong xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh khi có nhiều gia đình hiến đất, phá dỡ hàng rào, góp công sức, tiền của làm đường, lao động miệt mài quên ngày đêm. Các tiêu chí về văn hóa trở thành mục tiêu, động lực của các cộng đồng dân cư.

Những miền quê đáng sống, những con đường sạch đẹp, các nhà văn hóa mẫu, thư viện xanh, “ngôi nhà trí tuệ”... cùng các thiết chế văn hóa, thể thao trong không gian xanh đã tạo nên một môi trường văn hóa lành mạnh cho chính người dân. Các CLB dân ca được thành lập và duy trì khắp các làng quê, đặc biệt là ở Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Can Lộc, TP Hà Tĩnh... cùng với hoạt động của các trung tâm văn hóa - truyền thông, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống càng làm cho văn hóa Hà Tĩnh thêm đậm đà bản sắc.

Hà Tĩnh luôn xem văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển

Hát dân ca ví, giặm trên sông Lam. Ảnh: Minh Chiến

Năm 2020, toàn tỉnh có 340.584/374.517 gia đình văn hóa (đạt 90,9%); 1.869/1.977 thôn, tổ dân phố văn hóa (đạt 94,5%); 14 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 841/1.465 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Trên bước đường đổi mới, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định rõ nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện là then chốt; phát triển KT-XH là trung tâm; phát triển văn hóa là mục tiêu, động lực; đảm bảo QP-AN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên và tích cực thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Trong đó, chú trọng gìn giữ, kế thừa những giá trị truyền thống văn hóa, tiếp tục xây dựng, phát triển nâng tầm giá trị văn hóa, phẩm chất tốt đẹp của con người Hà Tĩnh trong thời kỳ mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nhấn mạnh: “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ, đoàn kết, ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Hà Tĩnh”. Đây chính là “mục tiêu, động lực của sự phát triển” cho Hà Tĩnh hiện tại và tương lai.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Lãnh đạo tỉnh, ngành cấp tỉnh mong muốn bà con nhân dân tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng bền vững, cùng nhau góp sức xây dựng đô thị thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh văn minh, hiện đại.