Sáng 3/3, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết các nhiệm vụ về phát triển du lịch năm 2021 và giải pháp phục hồi phát triển du lịch trong năm 2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu - Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch Hà Tĩnh và Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bùi Xuân Thập chủ trì hội nghị. |
Toàn cảnh hội nghị
Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành du lịch cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Lượng khách tham quan, lưu trú tiếp tục giảm sâu so với những năm trước.
Tổng lượt khách tham quan đến Hà Tĩnh năm 2021 đạt 515.000 lượt (giảm 35% so với năm 2020), trong đó, khách lưu trú đạt 375.027 lượt (khách lưu trú quốc tế 9.027 lượt, khách lưu trú nội địa 366.000 lượt).
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh Lê Trần Sáng báo cáo về hoạt động du lịch năm 2021.
Mặc dù vậy, năm 2021, Hà Tĩnh vẫn chú trọng đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng các dịch vụ vui chơi, giải trí và phục vụ du lịch trên địa bàn như: Tổ hợp giải trí sân golf, khách sạn đẳng cấp ven biển đầu tiên tại Hà Tĩnh của Tập đoàn Mường Thanh, trường đua chó, đua ngựa Xuân Thành, công viên nước Vinpearl Water Park Cửa Sót, khu nhà nghỉ container Xuân Thành...
Trong năm 2021, tỉnh bố trí vốn đầu tư công cho 6 dự án lĩnh vực du lịch - dịch vụ với tổng số vốn 57,96 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 42 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 15,96 tỷ đồng.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh Hồ Việt Anh: "Cần tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch, áp dụng phương tiện thanh toán điện tử, chuẩn bị những sản phẩm du lịch tốt đủ điều kiện để làm du lịch 4 mùa".
Bên cạnh đó, nhiều dự án du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đang được xúc tiến đầu tư như: Khu nghỉ dưỡng Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) có vốn đăng ký dự kiến 500 tỷ đồng, do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư; Khu đô thị du lịch Kỳ Nam (TX Kỳ Anh) có vốn đăng ký dự kiến 4.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần Vịnh Nha Trang làm chủ đầu tư; khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí vùng ven sông Lam xã Xuân Giang (Nghi Xuân) có vốn đăng ký dự kiến 25.000 tỷ đồng, do Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư; quần thể sân golf, trung tâm hội nghị, khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp tại thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) có vốn đăng ký dự kiến 1.200 tỷ đồng do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư...
Năm 2022, du lịch Hà Tĩnh đặt mục tiêu thu hút 800.000 lượt khách tham quan với khoảng 450.000 lượt khách lưu trú nội địa và khoảng 15.000 lượt khách lưu trú quốc tế.
Để hoàn thành mục tiêu đó, ngành du lịch Hà Tĩnh cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục nỗ lực kích cầu du lịch nội địa, phục hồi các hoạt động du lịch trong tình hình dịch bệnh COVID-19.
Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa: "Trong thời gian tới, cần xúc tiến kết nối để các đơn vị lữ hành ngoại tỉnh đưa các điểm đến Hà Tĩnh vào tour của họ, nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Hà Tĩnh".
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch Hà Tĩnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phục hồi và phát triển du lịch. Trong đó, hướng đến xây dựng các nghị quyết mới về chính sách khuyến khích phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành các điểm check in tại các khu, điểm du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ số nhằm xúc tiến quảng bá du lịch hiệu quả... Trong đó, hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Kết nối xanh du lịch Việt Nam” do Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động, với nội dung sống chung với COVID-19 trong từng doanh nghiệp du lịch, tạo sự tin tưởng của khách du lịch.
Tích cực thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp nhằm khôi phục du lịch trong bối cảnh bình thường mới, các đại biểu đặt ra các vấn đề như: khôi phục lại hệ thống cơ sở hạ tầng bị xuống cấp sau thời gian ảnh hưởng COVID-19; nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn; tăng cường các hình thức quảng bá, kết nối để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu các cấp, ngành cùng nỗ lực xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển ngành du lịch. Trong đó, mỗi đơn vị liên quan cần xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của mình, việc cần phải làm ở địa phương, đơn vị mình để thực hiện một cách khẩn trương, tích cực và đồng bộ. Đồng thời, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai, phối hợp thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án du lịch đã đề ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở VH-TT&DL cùng các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao trong các chương trình, kế hoạch, đề án du lịch và Kế hoạch số 36/KH-BCĐ ngày 24/5/2021 của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch về hoạt động của ban đến năm 2025; thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn khôi phục hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.