Sáng nay (16/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng điều hành đầu cầu Hà Tĩnh.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Theo báo cáo của Bộ GTVT tại hội nghị, tại Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, chí phí vận tải luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics, như: Việt Nam khoảng 59%, Mỹ khoảng 63,6%, Thái Lan khoảng 53,5%...
Đối với từng mặt hàng khác nhau, chi phí vận tải chiếm tỷ lệ khác nhau. Với mặt hàng thủy sản xuất khẩu, chi phí vận tải chiếm 51%; lưu kho chiếm 20%; xếp dỡ 23%; đóng gói 5%; cảng phí 1%. Mặt hàng may mặc xuất khẩu, chi phí vận tải là 61%; lưu kho 9%; xếp dỡ 19%; đóng gói 9%; cảng phí 2%...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng điều hành đầu cầu Hà Tĩnh.
Nếu xét trong lĩnh vực GTVT còn tồn tại một số vấn đề làm tăng chi phí vận tải, như: hạ tầng giao thông còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; thị phần vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy được hết lợi thế; phương tiện vận tải tại Việt Nam có tuổi đời cao, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu, thiếu những phương tiện lớn và các phương tiện chuyên dụng; khả năng bốc dỡ, năng lực chuyên nghiệp, thủ tục hành chính, phí, lệ phí còn nhiều hạn chế, yếu kém...
Cùng với đó, hệ thống hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không) phục vụ logistics đều có hiện trạng thiếu đồng bộ, còn nhiều hạn chế. Tính kết nối hạ tầng giao thông dù đã được đầu tư phát triển, tuy nhiên, kết nối giữa các phương thức vận tải vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến chi phí vận tải còn cao.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công báo cáo tại hội nghị
Giải pháp tổng thể để giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực GTVT ở Việt Nam trong thời gian tới là: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng; khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong quản lý, khai thác vận tải; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực...
Phát triển logistics ở Hà Tĩnh cũng không nằm ngoài thực trạng chung. Hà Tĩnh đã có nhiều dịch vụ trong chuỗi các dịch vụ của logistics từ các dịch vụ bốc xếp hàng hóa, dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, dịch vụ đại lý vận tải..., nhưng nhìn chung, các loại hình dịch vụ hầu hết đang hoạt động một cách tự phát, nhỏ lẻ, manh mún nên chi phí dịch vụ rất cao và không ổn định. Để phát triển dịch vụ logistics, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Đề án phát triển logistics tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030... Theo đó, đầu tư phát triển hệ thống cảng và Trung tâm logistics; nâng cấp, xây dựng QL 12C, tuyến đường ven biển, nâng cấp QL 8 (đoạn km 37 - km 85), xây dựng các tuyến chính kết nối QL 1 với đường ven biển; xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng nối tuyến đường sắt quốc gia với cảng Vũng Áng, Sơn Dương và cửa khẩu Cha lo... |
Tại hội nghị, Bộ GTVT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ một số đề xuất, kiến nghị nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, tạo sự đột phá trong phát triển vận tải, góp phần giảm chi phí vận tải, phát triển dịch vụ logistics.
Theo gợi ý của Thủ tướng, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thể chế chính sách, pháp luật; về hạ tầng và kết nối hạ tầng giao thông đối với logistics; tính kết nối của các loại hình vận tải; phát triển doanh nghiệp và nguồn lực phát triển logistics...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đánh giá cao nhưng kết quả mà ngành logistics Việt Nam đã đạt được trong những năm qua. Tuy nhiên, chi phí vận tải trong tổng chi phí logistics còn quá cao; kết nối hạ tầng giao thông còn thiều đồng bộ...
Để thực hiện tốt vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh về logistics với quyết tâm chính trị cao và tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ cụ thể của bộ, ngành mình; tập trung xây dựng đội ngũ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Các địa phương cũng theo đó triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế để phát triển dịch vụ logistics, kết nối hiệu quả với hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn... Bộ GTVT tiếp thu mọi ý kiến đóng góp, có giải pháp đồng bộ nâng dịch vụ logistics của Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.
Chỉ đạo đầu cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đề nghị các ngành liên quan cần có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng dịch vụ logistics theo Đề án phát triển logistics tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 144/QĐ-UB ngày 12/1/2015; đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, trước mắt là đường QL 12, sửa chữa đường QL 8...; rà soát, kiểm tra các trạm kiểm tra trên các tuyến đường giao thông nhằm thực hiện giảm thủ tục hành chính để Hà Tĩnh trở thành trung tâm logistics của miền Trung trong thời gian tới. |