Tháng 6/2022, ông Nguyễn Viết Tịnh (thị trấn Nghèn, Can Lộc) gửi đơn khiếu nại tới Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh phản ánh việc bánh kẹo không đủ trọng lượng như trên bao bì ghi.
Ông Nguyễn Viết Tịnh phản ánh việc bánh kẹo không đủ trọng lượng.
Ông Tịnh kể: Bánh do người thân đưa đến gia đình tôi để cúng lễ. Khi mở 1 hộp bánh vừng dừa ra sử dụng thì có tấm bìa carton bên trong và khối lượng thực tế của bánh không đủ như bao bì ghi. Sản phẩm này do một cơ sở đóng gọi bánh kẹo tại Hà Nội sản xuất, bên ngoài ghi khối lượng tịnh là 500gram. Sau đó, tôi liên lạc theo số điện thoại trên vỏ hộp nhưng không có người nghe máy.
Ông Tịnh cho biết thêm, mới đây, ông cũng mở một hộp bánh khác thì bên trong đáng nhẽ phải có 2 lớp bánh nhưng thực tế chỉ được lớp trên, còn phía bên dưới là trống không. Trong hộp bánh cũng có một tấm bìa giấy. Nghi ngờ bánh thiếu trọng lượng, ông đang gửi lên Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh để tiếp tục phản ánh.
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - đo lường – chất lượng tỉnh kiểm tra một số mẫu bánh và kết quả khối lượng tịnh không đủ như bao bì ghi.
Theo ông Tịnh, mỗi gói bánh giá trị không lớn, tuy nhiên cần phản ánh lên cơ quan chức năng để thể hiện trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi chân chính của người tiêu dùng, cũng là góp phần làm “trong sạch” thị trường.
Trước đó, vào giữa tháng 2/2022, bà Nguyễn Thị Hoàn (phường Nguyễn Du - TP Hà Tĩnh) mua hộp bánh quy khối lượng tịnh 450 gram nhưng khi mở ra sử dụng, thấy tấm bìa carton bên trong hộp, bà đưa cân thử thì cả hộp lẫn bánh là 450 gram, trong đó tấm bìa cartron có khối lượng 200 gram. Tuy nhiên, khác với ông Tịnh, vì không muốn phiền phức, mất thời gian nên bà Hoàn chọn phương án im lặng cho qua.
Bánh gấc dừa khối lượng tịnh ghi 500gram, khối lượng thực qua kiểm tra là 150gram.
Mới đây, theo khảo sát thực tế và phản ánh của người tiêu dùng, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - đo lường – chất lượng tỉnh (thuộc Sở KH&CN) tiến hành kiểm tra khối lượng tịnh một số mẫu bánh.
Kết quả là: bánh mang nhãn hiệu TOF (cupcake - của cơ sở Tân Thái Dương, Hà Nội), khối lượng tịnh ghi 500gram, khối lượng thực 98gram; bánh mang nhãn hiệu gấc (bánh vừng dừa - của cơ sở đóng gói bánh kẹo Việt Anh, Hà Nội), khối lượng tịnh ghi 500gram, khối lượng thực 105gram; bánh mang nhãn hiệu gấc (bánh gấc dừa - của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Tân Hoàng Minh (Hà Nội), khối lượng tịnh ghi 500gram, khối lượng thực 150gram. Trong các gói bánh kiểm tra nói trên đều có 1 tấm bìa giấy.
Ông Trần Hữu Hạnh – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Tĩnh cho biết. “Sau khi có kết quả, hội đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đề nghị kiểm tra xử lý. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng nếu phát hiện các loại bánh trên hoặc những loại bánh kẹo khác có dấu hiệu vi phạm tương tự thì thông báo đến các cơ quan chức năng hoặc liên hệ đường dây nóng của hội theo số điện thoại 0913294278 hoặc 0983855630 để phối hợp xử lý”.
Người tiêu dùng nên chọn mua hàng ở những cơ sở uy tín và xem kỹ thông tin hàng hóa khi mua.
Được biết, thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết một số phản ánh của người dân về hàng hóa đóng gói sẵn như bánh kẹo, mì ăn liền thiếu trọng lượng so với bao bì ghi bên ngoài.
Tuy nhiên hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn còn tâm lý ngại phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan chức năng vì sợ phiền hà, giá trị hàng hóa lại không lớn. Thực tế không ít trường hợp khi nghi ngờ hàng hóa không đủ trọng lượng nhưng “tặc lưỡi cho qua”. Chính điều này đã góp phần tiếp tay cho nhà sản xuất “móc túi” người tiêu dùng. Bởi, với mỗi một sản phẩm hàng hóa, chỉ cần “rút ruột” vài gram thì con số nhà sản xuất thu lợi không đáng kể nhưng với hàng chục nghìn sản phẩm thì con số đó lại không hề nhỏ.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa lưu thông trên địa bàn.
Hiện nay, thị trường hàng hóa đa dạng, số lượng cơ sở kinh doanh lớn trong khi các cơ quan chức năng lực lượng mỏng nên gặp khó khăn trong công tác kiểm tra. Bởi vậy, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, rất cần nguồn tin báo từ người tiêu dùng khi nghi ngờ, phát hiện các hành vi gian lận thương mại. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần lưu ý tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, trọng lượng, hạn sử dụng... hàng hóa khi chọn mua.
Ông Phan Thanh Bá – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, đơn vị sẽ thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra hàng hóa, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Cùng với đó là tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các cơ sở kinh doanh thực hiện đúng quy định và vận động người tiêu dùng kịp thời phản ánh khi phát hiện vi phạm. Đặc biệt, dịp này gần Tết Trung thu nên Cục QLTT cũng đã chỉ đạo các đội trực thuộc quản lý chặt địa bàn, chú trọng vào các mặt hàng sức tiêu thụ lớn như bánh kẹo, đồ chơi.