Hà Tĩnh phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, triển khai hiệu quả các chủ trương lớn

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, với việc thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, quán triệt xuyên suốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Hà Tĩnh đã huy động sức mạnh khối đoàn kết toàn dân triển khai hiệu quả các chủ trương, dự án lớn.

Thời gian này, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án trọng điểm cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua Hà Tĩnh đang được triển khai hiệu quả và đảm bảo tiến độ nhờ sự đồng thuận của Nhân dân.

Để có được kết quả đó, ngay từ khi có chủ trương, những thông tin liên quan đến dự án đã được các địa phương, đơn vị liên quan niêm yết, công khai trên hệ thống truyền thanh cơ sở và thông qua các cuộc họp ở thôn, tổ dân phố để Nhân dân được biết.

Hà Tĩnh phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, triển khai hiệu quả các chủ trương lớn

Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án trọng điểm cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh đang được triển khai hiệu quả và đảm bảo tiến độ nhờ sự đồng thuận của Nhân dân. (Trong ảnh: Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long bàn giao mốc GPMB dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi cho Hội đồng bồi thường - GPMB huyện Can Lộc và xã Kim Song Trường).

Từ 2 tháng nay, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp đã phối hợp với chủ đầu tư tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cộng đồng dân cư về thực hiện dự án để cung cấp thông tin dự án, giải thích các nội dung người dân quan tâm, có ý kiến; qua đó tạo điều kiện để người dân kiểm tra, giám sát các hoạt động dự án.

Là hộ dân ảnh hưởng bởi dự án cao tốc, ông Nguyễn Công Phúc - người dân thôn Phúc Tân, xã Kim Song Trường (Can Lộc) chia sẻ: “Sau khi nghe các thông tin tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, được cơ quan liên quan giải thích rõ thêm tại các cuộc họp, tôi đã hiểu rõ và rất đồng hình việc triển khai dự án. Đến nay, gia đình tôi đã sao, nộp bìa đất với diện tích 3,5 sào đất nông nghiệp cần giải phóng mặt bằng, ký xác nhận vào biên bản sau khi kiểm đếm. Mong rằng dự án sẽ sớm thi công và hoàn thành ”.

Hà Tĩnh phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, triển khai hiệu quả các chủ trương lớn

UBND huyện Thạch Hà và Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án thành phần đường cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng vào đầu tháng 5/2022.

Bà Phạm Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: “Từ đầu tháng 4 đến nay, MTTQ tỉnh đã phối hợp tổ chức 8 hội nghị ở các địa phương dự án đi qua. Thông qua hội nghị, với tinh thần thẳng thắn, phát huy dân chủ, người dân được nắm rõ về chủ trương, ý nghĩa của dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh. Đây cũng là cơ hội để cấp ủy, chính quyền và chủ đầu tư kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, ý kiến chính đáng của bà con nhằm tạo sự đồng thuận khi thực hiện dự án trọng điểm quốc gia”.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, KKT Vũng Áng đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư đang đặt ra cho thị xã Kỳ Anh không ít khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Để tạo sự đồng thuận, thị xã đặc biệt coi trọng việc công khai, minh bạch thông tin và tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân.

Hà Tĩnh phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, triển khai hiệu quả các chủ trương lớn

Người dân Kỳ Thịnh theo dõi bản quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp trung tâm lô CN4, CN5 KKT Vũng Áng tại nhà văn hóa.

Ở phường Kỳ Thịnh (TX Kỳ Anh), sau khi Ban Quản lý KKT tỉnh tổ chức công bố đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp trung tâm lô CN4, CN5 KKT Vũng Áng, phường đã chỉ đạo các tổ dân phố thông tin rộng rãi đến người dân qua loa phát thanh, dán bản quy hoạch ở các vị trí thuận lợi như trụ sở ủy ban xã, nhà văn hóa các tổ dân phố để bà con tiện theo dõi.

Phó Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Thịnh Lê Văn Bình cho biết: “Thực tế đã chỉ ra rằng, chỉ khi mọi thông tin được công khai, minh bạch thì công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận, chấp hành chủ trương mới có thể diễn ra thuận lợi. Nói cách khác, mọi việc đều phải để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, phát huy dân chủ trong Nhân dân thì mới có thể thành công”.

Việc phát huy dân chủ ở cơ sở để thực hiện các chủ trương lớn của tỉnh còn được thể hiện rõ trong công tác chuẩn bị nhân sự và góp ý vào các văn kiện đại hội Đảng các cấp; các bước quy trình giới thiệu, hiệp thương đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đặc biệt, từ năm 2019, khi triển khai chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, để tạo đồng thuận trong Nhân dân, việc phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở cũng thể hiện rõ với quy trình các bước lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân.

Hà Tĩnh phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, triển khai hiệu quả các chủ trương lớn

Người dân thôn Tân Định, xã Đức Yên cũ (Đức Thọ) điền phiếu lấy ý kiến về sáp nhập xã, năm 2019 (Ảnh tư liệu).

Thời điểm đó, hàng trăm cuộc họp từ BCH Đảng bộ xã, họp mở rộng các tổ chức đoàn thể, họp cử tri các thôn để thông tin về chủ trương sáp nhập xã được diễn ra sôi nổi ở các địa phương thuộc diện sáp nhập. Các thôn cũng thành lập ban chỉ đạo để thực hiện công tác chuẩn bị, rà soát tổng số cử tri, thực hiện việc niêm yết công khai danh sách cử tri, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến hành lấy ý kiến cử tri.

Nhờ vậy, chỉ qua 5 ngày lấy ý kiến cử tri (từ 23-28/7/2019) tại 80 xã thực hiện việc sáp nhập, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt trên 97%. Kết quả bỏ phiếu cho thấy, trung bình trên 90% cử tri đồng ý với chủ trương sáp nhập xã.

Hà Tĩnh phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, triển khai hiệu quả các chủ trương lớn

Người dân sẵn sàng hiến đất, phá bỏ tường rào để mở rộng đường giao thông.

Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở còn được thể hiện ở việc khơi dậy trách nhiệm, vai trò của Nhân dân trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, rõ nét nhất là trong xây dựng NTM (NTM) và đô thị văn minh.

Trong 5 năm qua, với việc phát huy vai trò chủ thể của người dân, toàn tỉnh đã huy động Nhân dân đóng góp 13.329 tỷ đồng (chiếm 19,8% tổng nguồn huy động xây dựng NTM giai đoạn 2017 - 2022); người dân cũng tích cực hiến hàng chục nghìn lượt ngày công tham gia xây dựng NTM. Từ đó, góp phần đưa 173/182 xã đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 95%), 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 9/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Mọi chủ trương, chính sách lớn của tỉnh đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống cho Nhân dân, vì Nhân dân. Quá trình thực hiện các chủ trương, dự án lớn, tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức trong hệ thống chính trị mở rộng, phát huy dân chủ, lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, tạo đồng thuận từ khâu ban hành chủ trương đến khâu tổ chức thực hiện. Nhờ vậy, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với phương pháp, cách làm dân chủ, khoa học, sát thực tiễn, hợp lòng dân, các chủ trương, dự án lớn của tỉnh đã sớm đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng để tỉnh nhà tiếp tục duy trì được sự ổn định và phát triển. Phát huy tốt dân chủ ở cơ sở cũng góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Sáng 25/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Lễ công bố quyết định về việc phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư thay đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và trao Quyết định của Bộ Chính trị.