Hà Tĩnh - 1 trong 13 tỉnh, thành có di sản ca trù và là địa phương đăng cai Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018
Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 do Viện Âm nhạc, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ VN cam kết thực hiện trong Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO.
Ông Nguyễn Cảnh Thụy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Hà Tĩnh, thành viên Ban Tổ chức Liên hoan Ca trù 2018, cho biết: Liên hoan Ca trù toàn quốc là hoạt động nằm trong chương trình kỷ niệm 240 năm ngày sinh (1778 - 2018) và 160 năm ngày mất (1858 - 2018) của Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ - người đã có công đóng góp lớn trong quá trình phát triển nghệ thuật hát Ca trù.
Liên hoan lần này có sự tham gia của các đơn vị thuộc 13 tỉnh, thành có di sản Ca trù: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và TP. HCM. Mỗi đơn vị tham gia phải dự thi phần nội dung bắt buộc và phần nội dung không bắt buộc.
Nội dung chương trình bắt buộc là mỗi đoàn xây dựng một chương trình tham gia Liên hoan với tổng thời lượng quy định trong đó phải trình bày tối thiểu 3/15 thể cách quy định bắt buộc, 1 tác phẩm của Nguyễn Công Trứ.
Phần còn lại của chương trình bắt buộc, các đơn vị dự thi có thể tự chọn những tiết mục, thể cách, bài bản mang phong cách vùng miền thể hiện nét đặc trưng độc đáo của địa phương.
Liên hoan là cơ hội tổng kết và đánh giá lại toàn bộ thành quả phục hưng Ca trù và báo cáo thực trạng sức sống của Ca trù hiện nay trong đời sống xã hội đương đại.
Ngoài ra, Liên hoan lần này khuyến cáo các đơn vị tham gia dự thi phần nội dung chương trình không bắt buộc. Đây là phần thi mang tên "Tài năng Ca trù 2018" dành cho các đối tượng là quan viên, đào nương và kép đàn.
Với các đào nương sẽ có phần bốc thăm và trình bày 2/8 thể cách/bài do Ban tổ chức quy định. Mỗi đào nương được bốc thăm 3 lần và được quyền lựa chọn 2/3 thể cách đã bốc thăm để trình diễn.
Các kép đàn phải trình diễn liên hoàn 3 khổ đàn, đệm cho một bài Hát nói và đệm cho 1/3 điệu ngâm xướng tự do; trong khi đó, với các quan viên dự thi phải trình diễn đủ 5 khổ trống: Chính diện, Xuyên tâm, Lạc nhạc, Quán châu, Thượng Mã kèm theo giới thiệu vị trí của các khổ trống trong bài hát, cách đánh các khổ trống đó trước khi trình diễn và sẽ cầm chầu cho 01 bài Hát nói của Nguyễn Công Trứ.
Cũng theo ông Nguyễn Cảnh Thụy, đến thời điểm này, Hà Tĩnh (đơn vị đăng cai tổ chức - PV) đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị sân khấu, tuyên truyền, đón tiếp, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm và bố trí địa điểm ăn nghỉ cho các đoàn về dự liên hoan.
Liên hoan là dịp để tổng kết và đánh giá lại toàn bộ thành quả phục hưng ca trù và báo cáo thực trạng sức sống của ca trù hiện nay trong đời sống xã hội đương đại. Qua đó, Liên hoan nhằm khẳng định việc Việt Nam đã thực hiện đầy đủ và đạt những kết quả thiết thực trong chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca trù. Ca trù chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp từ tháng 10/2009. |