Hà Tĩnh sẽ sắp xếp 13 chi cục thuế cấp huyện còn 7 chi cục thuế khu vực

(Baohatinh.vn) - Đến thời điểm hiện nay, ngành Thuế Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thiện đề án sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế huyện, thị xã, thành phố thành chi cục thuế khu vực. Đặc biệt, các bước tiến dài hơi sắp tới là sự chuẩn bị kỹ càng của cả quá trình trước đó với công tác tư tưởng được nêu cao.

Tinh giản 6 chi cục thuế

Hà Tĩnh sẽ sắp xếp 13 chi cục thuế cấp huyện còn 7 chi cục thuế khu vực

Thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập, Cục Thuế Hà Tĩnh sẽ có 7 chi cục thuế khu vực.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đinh Nho Hậu cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, kế hoạch của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy của ngành, Cục Thuế Hà Tĩnh đã xây dựng đề án báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, trong năm 2019, Cục Thuế tỉnh sẽ sáp nhập các chi cục thuế huyện, thị xã, thành phố thành chi cục thuế khu vực theo hướng giảm từ 13 chi cục thuế cấp huyện xuống còn 7 chi cục thuế khu vực. Song song với đó, tiến hành tinh giản từ 78 đội thuế trực thuộc các chi cục xuống còn 62 đội”.

Thực tế việc sắp xếp, hợp nhất các chi cục thuế, các phòng chức năng ghi nhận những khó khăn, xáo trộn về tổ chức, cán bộ. Cụ thể, theo kế hoạch tinh giản bộ máy, toàn ngành sẽ dôi dư về mặt cơ học 6 chi cục trưởng, dẫn đến sự băn khoăn của chính cán bộ, công chức trong ngành, cũng như dư luận xã hội. Ngoài ra, đời sống sinh hoạt của cán bộ ít nhiều có ảnh hưởng do một số thay đổi về vị trí công tác, trụ sở làm việc. Do vậy, xác định công tác tư tưởng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nên thời gian qua, Đảng ủy Cục Thuế, các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, giúp cán bộ, công chức nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, hoàn thành công việc.

Hà Tĩnh sẽ sắp xếp 13 chi cục thuế cấp huyện còn 7 chi cục thuế khu vực

Công tác CCHC, hỗ trợ người nộp thuế được ngành triển khai sâu rộng trong thời gian qua.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, việc bổ nhiệm chức vụ đã “chững” lại trên cơ sở căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi đơn vị. Nhờ đó, khi thực hiện đề án sáp nhập, vấn đề dôi dư, bổ nhiệm sau sáp nhập sẽ phần nào “dễ thở” hơn.

Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Cục Thuế tỉnh Nguyễn Xuân Thường phân tích: “Sau khi cán bộ lãnh đạo phòng nghỉ hưu theo chế độ, một số đơn vị trực thuộc không bổ nhiệm phó phòng như Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Kê khai và kế toán thuế… Không bổ nhiệm, cán bộ lãnh đạo sẽ phải kiêm nhiệm, quản lý nhiều việc, vất vả hơn là điều đương nhiên, nhưng gần như các cán bộ đều đồng tình. Đó cũng là bước chuẩn bị để khi thực hiện bố trí cán bộ sau sáp nhập, có thể điều chuyển từ lãnh đạo chi cục về văn phòng cục…”

Đảm bảo hoạt động thông suốt sau sáp nhập

Thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập, Cục Thuế Hà Tĩnh sẽ có 7 chi cục thuế khu vực. Việc lựa chọn địa bàn để đặt trụ sở được thực hiện dựa trên các điều kiện về tự nhiên, dân số cũng như cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có của từng chi cục. Ngoài ra, việc tính toán khoảng cách địa lý và mức độ thuận tiện của người nộp thuế cũng là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn điểm đặt trụ sở. Đơn cử như đối với chi cục thuế khu vực TP Hà Tĩnh - Cẩm Xuyên, trụ sở được đặt tại TP Hà Tĩnh bởi địa bàn có nhiều đối tượng nộp thuế, đảm bảo thuận lợi về nhiều mặt cho người nộp thuế khi giao dịch với cơ quan thuế (số lượng người nộp thuế của thành phố nhiều gấp 3 lần so với Cẩm Xuyên)…

Hà Tĩnh sẽ sắp xếp 13 chi cục thuế cấp huyện còn 7 chi cục thuế khu vực

Việc lựa chọn địa điểm sau sáp nhập theo tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.

Liên quan đến quy trình quản lý thuế, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Cục Thuế tỉnh Nguyễn Xuân Thường nêu vấn đề: Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), thì UBND huyện, thành phố là một đơn vị dự toán ngân sách, thực hiện chỉ đạo, điều hành công tác thu trên địa bàn. Như vậy, khi sáp nhập, chi cục thuế khu vực được thành lập với nhiệm vụ quản lý thu NSNN trên cả hai huyện sẽ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của cả hai địa phương. Trong khi, mỗi địa phương có kế hoạch phát triển kinh tế xã hội khác nhau. Do đó, trong tổ chức triển khai nhiệm vụ thu NSNN sẽ gặp khó khăn nhất định, việc hạch toán số thu vẫn phải theo địa bàn huyện.

Ngoài ra, quá trình xây dựng và triển khai dự toán gắn liền với kế hoạch tài chính thu, chi của mỗi huyện nên khi hợp nhất, việc theo dõi và dự báo của mỗi địa phương cũng khác nhau. Do đó, việc hợp nhất cần đồng bộ với quy trình hạch toán các khoản thu ngân sách của từng địa phương để thuận tiện cho việc theo dõi, chỉ đạo công tác thu ngân sách.

Mặc dù sẽ phát sinh một số khó khăn trước mắt, song tinh thần chung của ngành Thuế Hà Tĩnh đã lên “dây cót” chủ động, sẵn sàng cho chủ trương sắp xếp, sáp nhập bộ máy, đảm bảo hoạt động thông suốt sau khi sáp nhập.

Chủ đề Sáp nhập xã ở Hà Tĩnh

Đọc thêm