Cùng dự có Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng - Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan
Thực hiện văn bản số 1445-CV/TU ngày 27/3/2019 của BTV Tỉnh ủy về việc chỉ đạo thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1780/UBND-NC ngày 29/3/2019 về việc sáp nhập ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, trong đó giao UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp xã theo tinh thần chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang báo cáo sơ bộ phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp xã trong năm 2019
UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác 853 (theo Quyết định số 853/QĐ-UBND tỉnh ngày 22/3/2019 của UBND tỉnh) phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tổng hợp, thẩm định sơ bộ phương án tổng thể của các địa phương, tham mưu báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tổ công tác 853 đã tổ chức kiểm tra, rà soát và có buổi làm việc với các địa phương về nội dung liên quan đến phương án sáp nhập.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải: Việc triển khai đề án sáp nhập ĐVHC cấp xã cần thực hiện quyết liệt, khẩn trương nhưng phải cẩn trọng, không được máy móc cơ học
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng việc triển khai đề án sáp nhập ĐVHC cấp xã cần thực hiện quyết liệt, khẩn trương nhưng phải cẩn trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù, không được máy móc cơ học; cần xây dựng phương án sử dụng cơ sở vật chất hợp lý, tránh lãng phí.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần tiếp tục dành thời gian nghe các ý kiến, giải trình, băn khoăn từ ban thường vụ các huyện ủy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng: Nên có thông tin đầy đủ các xã không đủ tiêu chuẩn cần sáp nhập theo quy định, công bố rộng rãi trước nhân dân
Đại biểu cũng cho rằng Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần dành thêm thời gian lắng nghe các ý kiến, giải trình, băn khoăn từ các địa phương. Đặc biệt, cần có các kịch bản tuyên truyền sâu rộng trong quá trình triển khai đề án đến mỗi người dân, xin ý kiến của nhân dân công khai, dân chủ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Trong sáp nhập cần phải tạo được đồng thuận trong nhân dân, tôn trọng đề xuất, kiến nghị của các huyện, thị; đặc biệt, chú trọng sắp xếp công tác cán bộ, cố gắng tận dụng tối đa hạ tầng cơ sở sẵn có
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Tỉnh đặt quyết tâm cao nhất nhưng cần rất cẩn trọng, khoa học, thực tiễn trong xây dựng phương án sáp nhập ĐVHC cấp xã; nắm bắt tư tưởng của nhân dân thông qua nhiều kênh thông tin để việc sáp nhập đảm bảo ổn định, bền vững. Tổ công tác 853 cần tiếp tục rà soát, thẩm định chặt chẽ các phương án
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định việc sáp nhập xã phải góp phần phát triển tình hình kinh tế - chính trị địa phương; làm cho nhân dân phấn khởi hơn. Về mặt lâu dài phải đảm bảo phù hợp quy hoạch tổng thể; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tăng lên; kết cấu hạ tầng phải được bố trí sắp xếp hợp lý, tiện lợi cho người dân trong giao dịch.
Bí thư Tỉnh ủy cũng nhận định, thực tiễn của Hà Tĩnh đang đặt ra nhiều nội dung lớn, sáp nhập ĐVHC cũng là việc khó. Vì vậy, trước hết cần phải “thông tư tưởng” từ chính mỗi đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ đó có hành động cụ thể, quyết liệt, đặt quyết tâm chính trị cao nhất để thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, các ngành liên quan cần nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, bám sát tình hình thực tiễn, tham gia đóng góp ý kiến xác đáng; tổ công tác 853 và Sở Nội vụ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu, tập trung giải trình đối với các xã không có phương án sáp nhập.
“Cả hệ thống chính trị đặt quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện, nhưng không vội vàng mà phải cẩn trọng, đảm bảo làm ở đâu chắc ở đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.