Hà Tĩnh “tiếp sức” phát triển logistics và xuất khẩu

(Baohatinh.vn) - Từ năm 2021 đến nay, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu, tạo động lực phát triển tuyến vận chuyển container cố định qua cảng Vũng Áng.

Hà Tĩnh nằm ở vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, là điểm trung chuyển hàng hóa ngắn nhất sang Lào, Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối với đường hàng hải quốc tế. Với nhiều ưu thế về vị trí địa lý, Hà Tĩnh hội tụ tiềm năng trở thành cửa ngõ giao thương kinh tế, đưa logistics thành một trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh.

1911.jpg
Cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương có nhiều lợi thế để khai thác dịch vụ logistics.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định dịch vụ logistics là một trong bốn ngành kinh tế trọng điểm, phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ. Để thu hút, duy trì tuyến vận chuyển container qua cảng Vũng Áng, thời gian qua, Hà Tĩnh đã ban hành chính sách hỗ trợ chủ tàu, chủ hàng container ra vào cảng.

Từ năm 2021, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 276/2021/NQ-HĐND ngày 28/4/2021 quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng. Mới đây nhất, ngày 8/12/2023, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 113/2023/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2024 – 2025 (Nghị quyết 113), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

10.png
Tàu hàng container đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ theo quy định.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt cho biết: “Các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu chi phí, tạo động lực thúc đẩy phát triển tuyến vận chuyển container cố định qua Vũng Áng. Nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics mà thời gian qua, hàng hóa qua cảng Vũng Áng tăng đáng kể. Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, cảng Vũng Áng tiếp nhận hơn 1,3 triệu tấn hàng hóa (tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023). Qua đó, doanh thu của công ty đạt hơn 80 tỷ đồng (tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023)”.

Thống kê của Ban Quản lý KKT tỉnh, từ năm 2021 đến nay, Hà Tĩnh đã hỗ trợ 73 chuyến tàu hàng container qua cảng Vũng Áng với tổng số tiền 14,6 tỷ đồng. Thời điểm này, các sở, ban ngành liên quan đang tích cực tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 113.

1.jpg
Sở Công thương tổ chức hội nghị tuyên truyền các chính sách về phát triển dịch vụ logistics, xuất khẩu giai đoạn 2024 - 2025 và phổ biến kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế tại TX Kỳ Anh.

Cụ thể, Nghị quyết 113 hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức có hãng tàu vận tải vận chuyển container qua cảng Vũng Áng 200 triệu đồng/chuyến (điều kiện là các hãng tàu biển được phép hoạt động mở tuyến vận chuyển container theo quy định; các hãng tàu biển vận chuyển container thực hiện bốc hoặc trả container có chứa hàng hóa tại cảng Vũng Áng theo tuyến cố định; tần suất tối thiểu 2 chuyến/tháng, mỗi tháng được tính từ ngày mùng 1 đến ngày cuối cùng của tháng đó).

Đối với các tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng Vũng Áng (chủ hàng/đơn vị kinh doanh dịch vụ logistics trực tiếp thực hiện vận chuyển hàng hóa container đến cảng Vũng Áng để bốc lên tàu hoặc hàng hóa container bốc xuống tại cảng Vũng Áng đi đến nơi nhận - trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh) được hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1.000.000 đồng/container 40 feet trở lên.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư kho hàng hóa được hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị, máy móc (kệ chứa hàng, pallet, xe nâng, xe kéo, bàn nâng thủy lực), phần mềm quản lý và vận hành kho nhưng không quá 1 tỷ đồng/kho hàng hóa.

1910.jpg
Chính sách hỗ trợ logistics góp phần thúc đẩy hàng hóa lưu thông qua cảng Vũng Áng.

Nghị quyết 113 cũng quy định chính sách hỗ trợ xuất khẩu gồm: hỗ trợ 70% chi phí tham gia hội chợ, các đoàn giao dịch xúc tiến thương mại, khảo sát tìm kiếm thị trường xuất khẩu tại nước ngoài gồm: Chi phí thuê địa điểm, thiết kế, dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại (không quá 70 triệu đồng/tổ chức, cá nhân); hỗ trợ tối đa 50% chi phí tư vấn xây dựng, đăng ký và duy trì gian hàng phục vụ xuất khẩu trên các sàn thương mại điện tử (không quá 50 triệu đồng/năm/tổ chức, cá nhân và không quá 2 năm từ thời điểm đăng ký thành công tài khoản trên sàn thương mại điện tử).

Ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: “Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 113. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng các video giới thiệu về chính sách; tổ chức 2 hội nghị tập huấn tuyên truyền tại TP Hà Tĩnh và TX Kỳ Anh để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận chính sách”.

Với việc triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2025, Hà Tĩnh đang từng bước khai thác hiệu quả lợi thế vị trí tự nhiên, cảng biển, phát triển dịch vụ logistics, đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Tĩnh trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Hai năm liền đứng đầu về chỉ số DDCI, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng cho thấy TX Hồng Lĩnh đang vững bước trên hành trình trở thành đô thị hạt nhân phía Bắc Hà Tĩnh.
Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chỉ còn hơn 6 tháng trước mốc thời gian hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh nên thời gian này, các chủ đầu tư tăng cường chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Đủ nguồn vật liệu xây cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2

Đủ nguồn vật liệu xây cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2

Nguồn vật liệu cát, đất, đá để xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã được các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu gấp rút tìm kiếm và đẩy nhanh thủ tục khai thác. Đến nay, vật liệu thi công cho các dự án cao tốc về cơ bản đã không còn thiếu.