Sáng 12/7, BCH Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (Nghị quyết 39); sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 18/5/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo (Nghị quyết 08). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì hội nghị. Về phía Trung ương, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn và lãnh đạo Vụ Kinh tế vùng và địa phương, Ban Kinh tế Trung ương dự hội nghị. Về phía Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh cùng dự. |
Quy mô nền kinh tế tăng gấp 15 lần năm 2004
Giai đoạn 2004 - 2021, Tỉnh ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết 39 với việc xây dựng các quy hoạch chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hàng năm, các nghị quyết, đề án, chương trình…, nhờ đó đạt nhiều kết quả quan trọng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 39 và Nghị quyết 08.
Đến nay, quy mô nền kinh tế Hà Tĩnh đạt gần 90.000 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần so với năm 2004, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao qua các giai đoạn, tính chung thời kỳ 2005 - 2020 đạt trung bình trên 10%/năm.
Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt gần 36 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách năm 2004 chỉ đạt 400 tỷ đồng, năm 2021 đạt gần 17.000 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Các thành phần kinh tế phát triển đúng định hướng. Thương mại, du lịch, dịch vụ từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 2 tỷ USD, gấp 52 lần năm 2004. Giai đoạn 2019 - 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh vươn lên đứng thứ 2 trong khu vực Bắc Trung bộ.
Khu kinh tế Vũng Áng trở thành động lực phát triển của tỉnh với gần 100 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 60 nghìn tỷ đồng, 60 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 16 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động.
Xây dựng nông thôn mới đạt những thành tựu nổi bật, đến nay đã có gần 98% xã và 9/13 huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà tham luận về nguồn lực triển khai thực hiện Nghị quyết 39 và Nghị quyết 08. |
Lĩnh vực văn hóa – xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh lan tỏa sâu rộng. Thể thao đạt kết quả nổi bật; giáo dục mũi nhọn nhiều năm liền thuộc nhóm đầu cả nước.
Chính sách lao động, an sinh xã hội đạt kết quả tốt. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm sâu, từ 39% xuống còn hơn 3%. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 08 của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào quy mô, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng: Cần tăng cường kết nối với các địa phương vùng kinh tế Bắc Trung Bộ trong thu hút đầu tư tạo ra chuỗi ngành sản xuất sản phẩm sau thép, cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp thép, ô tô và cụm ngành công nghiệp nhẹ. |
Nhiều dự án công nghiệp trọng điểm được khởi công, đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Quy mô, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn đạt ở mức cao trong khu vực Bắc Trung bộ.
Tỷ trọng của ngành công nghiệp trong GRDP năm 2021 đạt 37,11%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra; trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 26,79%.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 12,63%/năm, số lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp năm 2021 đạt 67.500 lao động, bình quân tăng 13,07%/năm. Bước đầu đã hình thành được một số ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, dệt may; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị.
Đến nay, Hà Tĩnh có 2 khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy bình quân là 60,75% và có 23 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy đạt 84,75%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Tiếp tục tập trung các giải pháp trọng tâm phát triển KT-XH
Trình bày tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 39 và Nghị quyết 08 và đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ phát triển các lĩnh vực, góp phần phát triển KT-XH.
Các đại biểu cho rằng thời gian tới, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa các nội dung quy hoạch vào kế hoạch 5 năm và hàng năm; dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; chủ động phối hợp các bộ, ngành Trung ương để sớm hoàn thiện hệ thống giao thông chiến lược, giao thông liên vùng tạo động lực phát triển.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Nguyễn Duy Đức nêu 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố có quy mô, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. |
Nhiều ý kiến đề xuất tổ chức lập, triển khai Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch tỉnh và đảm bảo phát triển không gian ngành công nghiệp, thương mại vùng Bắc Trung Bộ có tính liên kết, chặt chẽ; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, từng bước thông minh, hiện đại;
Kêu gọi đầu tư các thành phần kinh tế vào đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; tiếp tục phát triển và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng khu, cụm công nghiệp; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ...
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh Trần Thị Ái Đức tham luận về giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển vùng và liên kết vùng. |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn ghi nhận, đánh giá cao những kết quả Hà Tĩnh đạt được trong thực hiện các nghị quyết và những phát biểu tham luận tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Về định hướng phát triển thời gian tới, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Hà Tĩnh cần chuẩn bị các điều kiện thực hiện tốt quy hoạch, nhất là điều kiện về nguồn lực. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường sống thân thiện.
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu các ngành kinh tế; phát triển công nghiệp sau thép, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ logistics; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh; đổi mới tư duy về du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần phát huy, sử dụng hiệu quả nguồn lực, gồm các nguồn lực tài nguyên và nguồn lực văn hóa, con người; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; gắn phát triển kinh tế với văn hóa xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.
Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về kết hợp QP-AN với KT-XH ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực hiệu quả các cấp chính quyền; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiếp tục huy động nguồn lực, kêu gọi đầu tư phát triển các Khu kinh tế
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh một số định hướng lớn của tỉnh để góp phần vào sự phát triển chung của vùng. Đó là, triển khai đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch Bắc Hà Tĩnh - Nam Nghệ An; Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống đường ven biển, đường 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt và đường cao tốc Bắc - Nam, trên cơ sở đó phát triển các hành lang kinh tế gắn với các trục giao thông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra;
Khai thác lợi thế cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương; tiếp tục huy động nguồn lực, kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ logictics tại Khu kinh tế Vũng Áng; tập trung cao phát triển 3 đô thị động lực: thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh; chú trọng phát triển nguồn nhân lực.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng kết luận hội nghị.
Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mới, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Hà Tĩnh phấn đấu có nhiều hơn sản phẩm sạch, sản phẩm nông sản xuất khẩu; tập trung cao cho xây dựng nông thôn mới; phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển nghề nuôi trồng, khai thác thủy hải sản.
Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, mở rộng Khu Kinh tế Vũng Áng và hình thành các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng, gắn với thúc đẩy phát triển thị xã Kỳ Anh, từng bước hình thành thành phố công nghiệp Kỳ Anh trong tương lai; huy động nguồn lực để phát triển Khu kinh tế Cầu Treo; mở rộng, phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Từ đó, kêu gọi nhiều các doanh nghiệp lớn vào đầu tư trên địa bàn;
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề xuất với Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục quan tâm tổ chức nhiều hoạt động tọa đàm, hội thảo khoa học, tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư liên vùng, tiểu vùng nhằm thúc đẩy liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; đề xuất Chính phủ sớm hoàn thiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quan tâm hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh nguồn lực để thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.
Bí thư tỉnh ủy cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương ủng hộ quan điểm của Hà Tĩnh để đề xuất Chính phủ, Bộ Chính trị đồng tình chủ trương chấm dứt Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.