Địa bàn xa trung tâm nhưng bà con thôn Hà Trai đã phát huy sức mạnh đoàn kết xây dựng thôn phát triển.
Thôn Hà Trai trải dài trên 10km đồi núi, hộ xa nhất nằm ở khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cách trung tâm xã Sơn Kim 1 gần 30km. Địa bàn xa trung tâm, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng những năm qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, nhất là từ các Chương trình 134, 135 và Chương trình phát triển KT-XH vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống cơ sở hạ tầng ở đây từng bước được đầu tư đồng bộ.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã tạo niềm tin vững chắc trong bà con nhân dân. Từ đó, người dân thôn Hà Trai đã biết phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng lòng trong việc đưa các chủ trương, đường lối, chính sách vào cuộc sống, nhất là trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
“So với 5 năm trước, cuộc sống hiện giờ của bà con đã thay đổi rất nhiều, trong đó có nguồn lực từ xuất khẩu lao động. Hiện nay, ngoài 2 mô hình vườn mẫu, trên địa bàn còn có 15 mô hình vườn rừng và hơn 10 mô hình chăn nuôi hươu, trâu (mỗi mô hình chăn nuôi từ 8-30 con) cho thu nhập hằng năm từ 100 triệu đồng trở lên. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 40 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10% (năm 2017) xuống còn 5,8%. Năm 2023, thôn đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu/năm” - bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng thôn Hà Trai cho biết.
Bà Nguyễn Thị Châu chăm sóc luống rau vườn nhà.
Dẫn chúng tôi thăm khu vườn mẫu rộng gần 1 ha nằm bên sườn núi, bà Nguyễn Thị Châu - chủ vườn không giấu nổi tự hào. “Năm 2020, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế vườn đồi, chúng tôi đã phải bạt cả sườn núi, phá bỏ cây tạp, san đất, nhặt đá, xây dựng và quy hoạch các khu chăn nuôi, trồng trọt hợp lý. Những ngày đầu thật lắm gian nan nhưng đã bắt tay rồi thì chúng tôi xác định không lùi bước. Đất không phụ người, với sự hỗ trợ của thôn, xã, khu vườn của gia đình tôi dần đẹp lên, năm 2021, được công nhận là 1 trong 2 vườn mẫu đầu tiên của thôn. Từ chăn nuôi bò, lợn, gà, cá, cây ăn quả, mỗi năm, gia đình tôi đã có nguồn thu gần 300 triệu đồng”.
Hiệu quả từ mô hình của gia đình bà Châu đã tạo động lực để bà con trong thôn cải tạo vườn tạp, trong chăn nuôi và trồng trọt đều hướng đến sản xuất hàng hóa. Đến nay, thôn đã cơ bản xóa bỏ vườn tạp và năm 2023 có thêm 2 hộ đã đăng ký xây dựng vườn mẫu.
Trong tổng số 137 hộ dân của thôn Hà Trai, có 50 hộ là người dân tộc Mán (gốc Lào) với nhiều tập quán lạc hậu. Để giúp người dân xóa bỏ những tập tục đó, chính quyền địa phương và cán bộ thôn đã không quản ngại gian nan, vừa tích cực tuyên truyền vừa “cầm tay chỉ việc”, giúp người dân dần bắt nhịp với sự phát triển của xã hội.
Người dân thôn Hà Trai chia sẻ về những đổi thay mấy năm gần đây.
Bà Lê Thị Lưu - người dân tộc Mán ở thôn Hà Trai chia sẻ: “Theo bố mẹ từ Lào sang định cư ở mảnh đất này đến nay đã hơn 70 năm, tôi chứng kiến sự đổi thay mỗi ngày trong cuộc sống. Thay cho việc đốt nương làm rẫy, lên rừng đào củ mài, cái đói cái nghèo đeo bám, với sự giúp đỡ của chính quyền, chúng tôi đã làm quen với tập quán định canh, định cư, được hỗ trợ làm nhà, tặng bò, giống cây trồng, phân bón... Khi già yếu, chúng tôi còn được trợ cấp, có bảo hiểm y tế để chữa bệnh... Tôi cũng như bà con người Mán trong thôn rất mừng”.
Bà Lê Thị Lưu - người dân tộc Mán là một trong những hộ dân tộc được nhận nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương để ổn định cuộc sống.
Không chỉ ổn định nơi ăn chốn ở, phát triển sản xuất, người Mán ở thôn Hà Trai còn được chính quyền địa phương, mặt trận và các đoàn thể trong thôn hỗ trợ đào hàng chục giếng nước sạch, xây dựng các công trình vệ sinh tự hoại… Nếp sống văn minh, việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại các gia đình, nơi công cộng đã từng bước trở thành ý thức tự giác của bà con.
Dẫu còn nghèo khó nhưng bà con thôn Hà Trai đã nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.
Trưởng thôn Hà Trai Nguyễn Thị Hòa cho biết: “Trong 3 năm trở lại đây, người dân thôn Hà Trai đã đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến hàng nghìn m2 đất để mở đường. Nhờ đó, các tuyến đường trong thôn đều được mở rộng, bê tông hóa khang trang, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu về đích khu dân cư kiểu mẫu vào năm 2024”.
Cùng với phát triển kinh tế, chính quyền địa phương cũng chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho bà con thông qua các giải pháp về phát triển giáo dục, văn hóa. Trong đó, những chính sách hỗ trợ cho con em dân tộc đi học, chính sách cử tuyển... đã tạo động lực để thế hệ trẻ người Mán ra sức học tập, vươn tới những chân trời mới. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây mới, tạo điều kiện để người dân được vui chơi giải trí, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Các tuyến đường ở thôn Hà Trai đều được đặt tên.
Bà Nguyễn Thị Chinh cho hay: “Bố mẹ chồng tôi thuộc thế hệ những người dân tộc Mán đầu tiên ở đây. Từ đời ông bà đã được chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng giúp đỡ xóa mù chữ, hướng dẫn định canh, định cư, nay đến đời con cháu lại được “sáng dạ” nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Những năm gần đây, người Mán chúng tôi đã có thêm nhiều cháu học đại học, đó cũng là niềm tự hào để thế hệ sau noi gương tiếp bước”.
Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của người dân trong lao động, sản xuất đã mang đến diện mạo mới cho miền biên viễn. Thôn Hà Trai đã xóa được hình ảnh của một vùng dân cư biên giới đói nghèo, lạc hậu, thay vào đó là một vùng quê không ngừng đổi mới.
Thời gian qua, chính quyền địa phương đã vận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội và bộ đội biên phòng để giúp bà con Hà Trai xây dựng đời sống mới. Sự phát triển kinh tế - xã hội của thôn Hà Trai đã góp phần quan trọng trong hành trình xây dựng nông thôn mới của xã Sơn Kim 1, nhất là mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm nay.