Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Việc xác định giá bồi thường không chạy theo tâm lý người dân mà cần xem xét mức độ đền bù của các địa phương trong nước, đặc biệt các tỉnh lân cận
Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, ngành TN&MT đã tham mưu UBND các cấp kịp thời triển khai thực hiện, đặc biệt đã lập danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng để thực hiện các dự án phát triển KT-XH. Đây là nội dung mới trong Luật Đất đai 2013 nhằm từng bước chủ động công tác thu hồi, giao đất, đồng thời thực hiện tốt hơn việc quản lý đất theo quy hoạch, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục thu hồi đất; tăng cường quyền của người sử dụng đất. Việc lập, trình HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tạo cơ sở pháp lý, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý đất đai.
Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn: Trong thu hồi, đền bù đất lâm nghiệp cần tính toán đến lợi ích, đời sống người dân.
Sau hơn 2 năm thực hiện, đã có 1.179 công trình, dự án thu hồi đất (chiếm 46,31%) tổng số dự án được HĐND tỉnh thông qua. Về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đã thực hiện 248 công trình. Song, nhìn chung, tỷ lệ đạt thấp so với kế hoạch đã được chấp thuận. Nguyên nhân chính được xác định là do việc lập danh mục của các địa phương còn chưa sát với thực tế và khả năng nguồn vốn đầu tư; một số địa phương triển khai chưa đồng bộ, thiếu hướng dẫn cụ thể cho cấp xã; một số công trình, dự án có tiến độ xây dựng chậm trong khi các dự án này có diện tích đăng ký lớn…
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hoàng Văn Sơn: Tính toán đền bù đất cần tham khảo giá của các địa phương lân cận, nếu giá tại Hà Tĩnh quá cao sẽ ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư.
Thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Đoàn liên ngành đã tiến hành khảo sát, rà soát tại 7 mỏ khoáng sản thuộc địa bàn huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và tổng hợp hóa đơn bán hàng tại 11 mỏ thuộc địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang.
Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động khoáng sản của các đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với khoáng sản đá xây dựng tại địa bàn phía Nam huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, giá bán thực tế bình quân đối với các loại đá xây dựng giảm mạnh so với giá tính thuế tài nguyên.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Đình Sỹ: Đề nghị Sở TN&MT bám sát các văn bản pháp lý cập nhật trong áp giá thuế tài nguyên khoáng sản.
Đoàn liên ngành đề nghị giảm giá giá tính thuế tài nguyên đối với các loại đá xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh; đối với khoáng sản đất san lấp và cát xây dựng và một số loại khoáng sản khác, đề nghị vẫn cho áp dụng giá tính thuế tài nguyên cũ.
Trưởng Ban KT-NS HĐND tỉnh Trần Viết Hậu: Xây dựng bảng giá đất cần tiếp tục có sự bổ sung các tuyến đường, khu đất, hạn chế tối đa việc bổ sung, sửa đổi liên tục sau khi áp giá.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, hiện việc thu hút đầu tư có chiều hướng khó khăn hơn, việc xác định giá bồi thường không chạy theo tâm lý của người dân mà cần xem xét mức độ đền bù của các địa phương khác trong cả nước, nhất là các tỉnh lân cận để tạo môi trường đầu tư tốt hơn. Trong xác định mức giá đền bù, Sở TN&MT cần bắt nhịp giá thị trường, cân bằng lợi ích của người dân và nhà đầu tư. Các địa phương cần có nhận thức, quan điểm chung trong xác định giá để tạo sự thống nhất, công bằng.
Về danh mục các công trình, dự án cần thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, yêu cầu Sở TN&MT tiếp thu các ý kiến của đại biểu, trên cơ sở đó tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa hợp lý.
Văn phòng UBND tỉnh phối hợp Sở TN&MT hoàn thiện, xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh để sớm thông qua, ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên khoáng sản.