Hải quân Nga tiếp nhận tàu hộ vệ tên lửa mới

Cơ quan thông tấn Nga RIA Novosti dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ngày 28/7/2018, Hải quân Nga sẽ làm lễ thượng cờ tiếp nhận tàu hộ vệ “Đô đốc Gorshkov”, tàu chiến mặt nước cỡ lớn đầu tiên của nước này được đóng mới kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

Nguồn tin cũng cho biết sau khi chính thức đi vào biên chế Hạm đội biển Bắc, “Đô đốc Gorshkov” sẽ tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm ngày Hải quân Nga 29-7 trên sông Neva, thành phố St. Petersburg, cùng nhiều tàu chiến, tàu ngầm và máy bay thuộc lực lượng không quân hải quân.

Ra khơi sau nhiều trì hoãn

Ngày 1-2-2006, “Đô đốc Gorshkov” được khởi đóng tại nhà máy đóng tàu Severnaya Verf, thành phố St. Petersburg, dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2011. Đến ngày 29-10-2010, 40% con tàu được hoàn thiện và bước vào giai đoạn lắp đặt vũ khí, trang bị, nhưng do các vấn đề liên quan đến công nghệ và ngân sách, thời hạn hoàn thành tàu bị dời đến năm 2013.

Hải quân Nga tiếp nhận tàu hộ vệ tên lửa mới

Tàu hộ vệ “Đô đốc Gorshkov”. Ảnh Sputnik.

Theo kế hoạch ban đầu, các tàu hộ vệ cùng lớp với “Đô đốc Gorshkov” sẽ sử dụng động cơ turbine khí do nhà sản xuất Zorya-Mashproekt của Ukraine cung cấp, tổ hợp công nghiệp chịu trách nhiệm chế tạo động cơ cho các tàu hộ vệ và khu trục của Hải quân Liên Xô. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Nga và Ukraine sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 dẫn tới việc chính quyền Kiev dừng việc chuyển giao những động cơ quan trọng này cho phía Nga.

Để tìm kiếm “trái tim” mới, tập đoàn NPO Saturn của Nga, vốn chuyên thiết kế động cơ phản lực cho máy bay đã bắt tay nghiên cứu động cơ turbine khí cho tàu chiến, khiến việc hoàn thiện tàu tiếp tục bị trì hoãn đến cuối năm 2017. Do đó, đến năm 2018 “Đô đốc Gorshkov” mới vượt qua các thử nghiệm cấp nhà nước, 12 năm sau ngày tàu được khởi đóng.

Đề án tham vọng trong nỗ lực hiện đại hóa hải quân

“Đô đốc Gorshkov” là tàu đầu tiên thuộc lớp tàu hộ vệ đề án 22350, có mục đích thay thế các tàu khu trục và tàu hộ vệ đã nhiều năm tuổi trong biên chế 4 hạm đội của Hải quân Nga hiện tại. Bộ quốc phòng Nga dự kiến sẽ đặt mua 15 tàu hộ vệ đề án này và sẽ biên chế 8 tàu từ nay đến năm 2027.

Khác với các lớp tàu đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên biệt trong học thuyết sử dụng Hải quân của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, lớp tàu hộ vệ mới này đại diện cho chiến lược phát triển lực lượng mặt nước, chú trọng tính đa nhiệm. Kết cấu tàu tập trung vào khả năng “tàng hình”, sử dụng chủ yếu vật liệu tổng hợp và lớp phủ trên cấu trúc thượng tầng để giảm độ bộc lộ radar.

Vũ khí chính của tàu gồm hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng, với 16 ống phóng tên lửa đối hạm và một hệ thống chống ngầm Paket-NK có khả năng đánh chặn ngư lôi, đảm bảo khả năng đối phó với tàu mặt nước và tàu ngầm. Trong nhiệm vụ phòng không, tàu được trang bị 32 ống phóng tên lửa phòng không Redut, khi cần thiết mỗi ống phóng tên lửa tầm trung có thể thay thế bằng 4 ống phóng tên lửa tầm ngắn. Cấu hình vũ khí trên cho phép tàu có thể tác chiến độc lập hoặc theo biên đội.

“Đô đốc Gorshkov” nói riêng và đề án 22350 nói chung có hệ thống radar và điều khiển hỏa lực hiện đại nhất trong số các tàu chiến mặt nước của hải quân Nga hiện tại, đảm bảo khả năng theo dõi, tìm kiếm và đối phó với nhiều loại mục tiêu. Mặc dù có lượng giãn nước chỉ 4.500 tấn, “Đô đốc Gorshkov” có tính năng chiến đấu tương đương với tàu khu trục giãn nước 7.000-8.000 tấn.

Theo nhà bình luận quân sự Viktor Murakhovsky, một trong những lý do khác dẫn tới sự chậm trễ trong việc bàn giao tàu hộ vệ “Đô đốc Gorshkov” do tàu còn là nền tảng thử nghiệm mọi trang thiết bị mới nhất sẽ được lắp đặt trên các tàu chiến khác.

Sau khi thử nghiệm thành công và đi vào biên chế, tàu hộ vệ “Đô đốc Gorshkov” sẽ gia tăng đáng kể năng lực tác chiến của Hải quân Nga. Quan trọng hơn, kinh nghiệm thu được từ việc ứng dụng công nghệ mới trên tàu “Đô đốc Gorshkov” sẽ giúp ích cho việc đóng các tàu khác trong cùng đề án và các lớp tàu chiến mới cho Hải quân Nga trong tương lai.

Theo QĐND

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.