Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và những mẫu hình giá trị “Tam vị nhất thể”

(Baohatinh.vn) - Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) là một Đại danh y - nhà văn lớn - nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc và Hà Tĩnh. Ông đã để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, có giá trị sâu sắc, bền vững về nhiều mặt, về cơ bản được tập hợp trong bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” - công trình đồ sộ, được viết chủ yếu bằng chữ Hán, gồm 28 tập/66 quyển.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và những mẫu hình giá trị “Tam vị nhất thể”

Tượng Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đặt trên đồi Minh Tự (xã Sơn Trung, Hương Sơn).

“Hải Thượng y tông tâm lĩnh” không chỉ đề cập, bàn luận tới hầu hết các vấn đề của y học mà còn nhiều nội dung thuộc các lĩnh vực khác... Tất cả đều gắn kết, thống nhất với nhau, cho thấy Lê Hữu Trác có cả một hệ thống tư tưởng đúng đắn, tiến bộ với cốt lõi là vì sự sống, vì vận mệnh con người. Tầm vóc văn hóa lớn lao của phong cách “Tam vị nhất thể” (3 “nhà” trong một “nhà”, 3 loại hoạt động trong một chủ thể “quản trị”, 3 đối tượng trong một mối liên hệ chia sẻ) ở Lê Hữu Trác càng ngày càng hiển hiện, tỏa sáng, có sức sống vượt không gian, thời gian.

“Tam vị nhất thể”, phong cách độc đáo Hải Thượng Lãn Ông

1. Ba tư cách trong một nhân cách vì sự sống và sự toàn thiện của con người

Trước hết, với tư cách là người thầy thuốc, Lê Hữu Trác hội đủ trong mình mọi phẩm giá ưu trội của một bậc đại danh y, từ quan niệm về nghề y đến sự chuẩn bị các thứ vốn và năng lực hành nghề. Cả 5 phương diện y đức, y lý, y thuật, dược, dưỡng sinh, hiếm có trường hợp nào bao quát toàn diện như Lê Hữu Trác. Hoàn toàn có cơ sở để đối sánh Lê Hữu Trác với những đại danh y nổi tiếng thời tiền hiện đại trên thế giới (Tôn Tư Mạc, Lý Thời Trân/Trung Quốc; Hippocrates - “ông tổ” của y học và là người thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời cổ đại Hy Lạp...).

Với tư cách là một thầy giáo, trên cả 3 phương diện: giảng dạy, cung cấp học liệu và kiểm tra/đánh giá, Lê Hữu Trác đều chu đáo. Ông dạy học vừa theo con đường trực tiếp vừa qua tài liệu do ông “thâu tóm hàng trăm cuốn sách, đúc thành một pho” cung cấp cho học trò. Ông truyền cho người học cách học, cách tiếp cận vấn đề theo hướng chủ động, biết suy ngẫm, tìm tòi, sáng tạo, học đi đôi với hành. Nhiều thế hệ lương y được học ông qua tài liệu đã tôn ông là sư phụ; ngay đương thời, có người đã vẽ tranh thờ sống ông.

Với tư cách là một nhà văn, Lê Hữu Trác để lại một khối lượng thơ, văn không nhỏ, bằng cả chữ Hán và chữ Nôm theo nhiều thể loại khác nhau. Đặc biệt, “Thượng kinh ký sự” - quyển cuối cùng của bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” đã đưa Lê Hữu Trác vào danh sách các tác gia lớn của văn học Việt Nam. “Thượng kinh ký sự” tái hiện một cách chân thực bức tranh hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII với nhiều mảng màu sắc nét. Ở đây, ngoài hình tượng thế giới hiện thực, là hình tượng một cái tôi tác giả ưu thời mẫn thế, vừa trong vai một lương y, vừa trong vai một nghệ sĩ ngôn từ, tất cả vì số phận con người. Thượng kinh ký sự “không chỉ là đỉnh cao, là sự hoàn thiện thể ký Việt Nam thời trung đại, mà còn là mực thước cho lối viết ký sau này” (Nguyễn Đăng Na)...

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và những mẫu hình giá trị “Tam vị nhất thể”

Nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở quê mẹ Quang Diệm (Hương Sơn).

2. Ba loại hoạt động trong sự kiểm soát chặt chẽ của một chủ thể quản trị

Trong hoạt động y học, Lê Hữu Trác đã tạo được ba trong một cấu trúc chỉnh thể: ông vừa là nhà lập thuyết (bao hàm cả y đức, y lý, y thuật, dược và dưỡng sinh), vừa là nhà thực hành (trực tiếp khám, chữa bệnh; trực tiếp sáng chế; trực tiếp sử dụng thuốc chữa bệnh) đồng thời là người kiểm định cả phần lý thuyết và thực hành của mình. Trên từng phương diện, ông đều triển khai thực thi hữu hiệu.

Lê Hữu Trác đã tạo dựng được một hệ thống lý luận vững chắc, có giá trị bền vững về nhiều vấn đề thiết yếu của ngành y (nguồn gốc của y học; những điểm cơ bản của đông y; lý luận về âm dương, ngũ hành, tạng phủ, kinh lạc, khí huyết, chẩn đoán, mạch học, bệnh lý, trị pháp; bí ẩn của âm dương, thủy hỏa, cơ năng sinh lý, bệnh lý của chân thủy, chân hỏa; những điều trọng yếu của hậu thiên tỳ vị, cơ năng tiêu hóa, tác dụng của khí huyết, bệnh lý và phép chữa...).

Danh y đồng thời cũng đã vạch rõ các phương pháp và phác đồ điều trị nhiều loại bệnh (các loại bệnh cơ yếu; bệnh ngoại cảm; các loại bệnh phụ khoa, sản khoa, nhi khoa; các loại bệnh đậu mùa, sởi...). Ông còn đúc kết, thâu tóm những điều cốt yếu nhất về nguyên tắc chẩn đoán, dùng thuốc trị bệnh, giúp cho các thế hệ thầy thuốc đương thời và về sau học tập, vận dụng.

Về dược, Lê Hữu Trác tập trung làm rõ 3 nội dung lớn: lý luận về vai trò, công năng của dược phẩm và phân loại dược phẩm; sưu tầm, tập hợp các phương thuốc, vị thuốc (từ nhiều nguồn); phát hiện, biên soạn các phương thuốc, vị thuốc mới. Tổng cộng tất cả các vị thuốc, phương thuốc do ông sưu tầm và bổ sung, phát hiện là 4.598 - một con số thật đáng nể phục. Về dưỡng sinh, Lê Hữu Trác cũng rất chú trọng và đề ra các phương pháp dưỡng sinh cụ thể, dễ thực hiện.

Y lý và y thuật của Lê Hữu Trác được ứng dụng và phát huy rộng rãi trong trị liệu không chỉ ở trong nước mà còn ở cả nước ngoài. Một số bài thuốc của ông (Lục vị, Bát vị...) được các cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền sản xuất theo hướng hiện đại hóa đang phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” là sách cơ sở đối với việc giảng dạy chuyên môn và trị liệu; được đưa vào giảng dạy trong chương trình đại học và sau đại học ở các trường, học viện.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và những mẫu hình giá trị “Tam vị nhất thể”

Những hiện vật nghề y của Đại danh y Lê Hữu Trác tại nhà thờ ông ở xã Quang Diệm.

3. Ba đối tượng trong một mối liên hệ chia sẻ văn hóa, nhân văn

Trước hết, với dân tộc: Lập trường dân tộc là điều kiên định ở Lê Hữu Trác. Ông không chỉ bảo vệ, gìn giữ mà còn tìm cách kiến tạo bản sắc dân tộc, từ văn hóa, văn học, thẩm mỹ... đến ẩm thực, đặc biệt trong y học. Quan điểm “Nam dược trị Nam nhân” (vốn kế thừa từ Tuệ Tĩnh) được Lê Hữu Trác phát triển rất thành công. Biên soạn “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”, ông có tiếp thu thành tựu văn hóa và y học cổ truyền Trung Quốc, nhưng cách tiếp thu có chọn lọc, có phản biện, phê phán. Cùng với những sáng tạo của riêng mình, ông đã phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận về cả y đức, y lý, y thuật trước hết nhằm phù hợp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, con người Việt Nam, “Hệ thống được mô tả trong “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” đã tạo nên bản sắc riêng biệt của nền y học Việt Nam” (GS. Mayanagi Makoto - Nhật Bản).

Với các nước khu vực Đông Á: Những lập luận, kiến giải về văn hóa nói chung, y học nói riêng của Lê Hữu Trác đã góp phần quan trọng trong kích hoạt mối quan hệ, giao lưu giữa Việt Nam với các nước, giúp cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước càng được củng cố, phát triển. Qua “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”, giới y học các nước đã biết đến nền y học Việt Nam với những nét gặp gỡ, tương đồng và những nét khác biệt, đặc thù. Giới nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong khu vực ngày càng quan tâm hơn đến Lê Hữu Trác. Trương Tú Dân xem Lê Hữu Trác là “Y Thánh”; Lý Cơ Hạo và Diêu Khiết Mẫn khẳng định Lê Hữu Trác “đã đưa ra một lý thuyết mới”...

Với quốc tế/nhân loại: “Hệ y đức của Lãn Ông đã chạm đến một cách sâu sắc những nhu cầu thông thường nhất của con người, có giá trị bền vững với thời gian và xuyên qua những khác biệt của các nền văn hóa” (Đinh Trung Hòa - Australia).

Trong con mắt của giới nghiên cứu phương Tây, Lê Hữu Trác càng trở nên như là một hiện tượng văn hóa đặc biệt. Yveline Féray (Pháp) viết tiểu thuyết lịch sử Lãn Ông; Albert Sallet - nhà khoa học phương Tây đầu tiên nghiên cứu về Lê Hữu Trác. Cho đến nay, ở nước ngoài, đã có ít nhất 10 luận án nghiên cứu về Lê Hữu Trác, viết bằng các thứ tiếng Pháp, Đức, Thụy sĩ, Bỉ, Hoa Kỳ, Trung Quốc... Gần đây, trong y học, xuất hiện khái niệm “Phương pháp Hải Thượng” và đã được đưa vào các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, thực hành ở nhiều cơ sở y dược trong nước và trên thế giới (ở Rillieux La Pape - Pháp; ở European Institute of Applied Buddhism - Đức v.v...).

Vì lẽ đó, ngày 21/11/2023, tại Paris, Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khóa 42 đã thông qua Nghị quyết vinh danh và tham gia kỷ niệm các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử” thế giới vào năm 2024-2025, trong đó có Lê Hữu Trác của Việt Nam (“42C/ Conférence générale 42e session, Paris 2023: 52. 300th anniversary of the birth of Hai Thuong Lan Ong Le Huu Trac, physician, 1724-1791”).

Với những đóng góp lớn lao cho văn hóa dân tộc, khu vực và nhân loại, Danh nhân Lê Hữu Trác hoàn toàn xứng đáng với những gì tốt đẹp nhất mà UNESCO cũng như loài người ban tặng, hy vọng. Trước thềm năm mới Giáp Thìn, chúng ta tự hào, háo hức chờ đón giờ phút đăng quang đặc biệt của Hải Thượng sau 300 năm tại hội thảo khoa học quốc tế và lễ vinh danh - kỷ niệm ngày sinh của ông (tổ chức vào tháng 11/2024).

(Trường Đại học Vinh)

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Chủ đề Kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.