Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn (Hà Nội) - người tham gia xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: Một trong các tiêu chí hàng đầu để được UNESCO vinh danh danh nhân chính là tư tưởng bình đẳng giới, thể hiện qua các tác phẩm, công trình của họ.
Đối với Đại danh y Lê Hữu Trác (1724 -1791), bên cạnh các tiêu chí cốt lõi như: là ông tổ của ngành y học cổ truyền, là người thầy thuốc và thầy giáo của Nhân dân; nhà tư tưởng lớn, nhà khoa học cần mẫn, trung thực, không ngừng nỗ lực, sáng tạo; là danh y thúc đẩy sự hiểu biết văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc… thì ông còn là một nhà văn có phong cách độc đáo với tư tưởng nhân đạo lớn lao: thương cảm sâu sắc mọi kiếp người, tin ở con người, khát khao mãnh liệt mang lại sự sống và hạnh phúc cho con người.
Chính tư tưởng nhân đạo này khiến Lê Hữu Trác luôn đề cao sự bình đẳng, thậm chí bày tỏ sự cảm thông sâu sắc, tôn vinh vai trò người phụ nữ trong xã hội. Điều này được thể hiện trong các tác phẩm của ông, tiêu biểu là: Phụ đạo xán nhiên, Tọa thảo lương mô (thuộc tập 14 và 15 của bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh, gồm 28 tập) và Nữ công thắng lãm.
Phụ đạo xán nhiên nghĩa là hiểu rõ về phụ khoa, tập sách gồm 2 quyển chuyên về những vấn đề phụ khoa của phụ nữ từ đặc điểm, tình trạng bệnh đến cách chữa trị và hơn 170 bài thuốc về phòng và điều trị bệnh. Tọa thảo lương mô nói về những phương pháp tốt khi sinh đẻ, những lời khuyên dạy khi sinh đẻ, các ca đẻ khó, phương pháp và phương thuốc hữu dụng…
Mở đầu cuốn Phụ đạo xán nhiên, ở phần tiểu dẫn, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã bày tỏ sự cảm thông đối với thể chất và những căn bệnh “khó nói” mà nữ giới phải gánh chịu. Ông viết: “Hoặc có người hỏi: trai, gái đều nhờ khí huyết trong thai mà sinh ra thì bệnh tật, cảm nhiễm cũng không khác nhau, mà các sách thuốc xưa còn chia riêng ra từng khoa, từng môn để làm gì? Xin trả lời rằng: Con trai bẩm thụ thể chất khỏe mạnh của quẻ càn, chủ về dương; con gái bẩm thụ thể chất mềm yếu của quẻ khôn, chủ về âm, thế thì lẽ âm dương đã chia ra trai, gái khác nhau.
Sách nội kinh nói “Con trai 64 tuổi thiên quý mới hết, con gái 49 tuổi, thiên quý đã kiệt” thì trai, gái hưởng thụ hơn kém khác nhau. Đó là so âm, dương, khí, huyết gái so với trai, hình dáng đã khác nhau. Huống chi là khi có kinh và khi thai sản, ngượng nghịu không thể nói cùng ai, lại là trách nhiệm riêng của một mình phụ nữ, không thể coi cùng một chứng bệnh, một phương thuốc với con trai được. Do đó mới có thuyết “Chữa 10 người đàn ông không khó bằng chữa 1 người đàn bà”, cho nên người chữa bệnh không dám coi thường mà cũng chữa như mọi bệnh khác, người soạn sách cũng không ngần ngại phiền lời mà mong viết thành một khoa chuyên môn…”.
Rõ ràng, qua phần tiểu dẫn của cuốn sách, dù là trình bày lý do để soạn ra công trình chữa bệnh nhưng trong cách dẫn, Hải Thượng Lãn Ông đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với người phụ nữ, từ thể chất yếu mềm và những căn bệnh phụ khoa, thời kỳ thai sản “ngượng nghịu không thể nói cùng ai”, là trách nhiệm riêng mà họ phải gánh chịu. Trong khi đó, đàn ông bẩm sinh đã khỏe mạnh, không phải trải qua những bệnh “khó nói” như phụ nữ… Những lý do đó, mà tác giả “không ngần ngại phiền lời” để viết nên một cuốn sách hướng dẫn cách chữa bệnh lý cho người phụ nữ, vốn bị xem nhẹ trong xã hội phong kiến đương thời.
Tương tự, ở cuốn Tọa thảo lương mô nói về những phương pháp tốt khi sinh đẻ như: Lời khuyên khi sinh đẻ, bảy nguyên nhân đẻ khó, các phương thuốc khi sắp đẻ, ở cữ, thúc đẻ… Hải Thượng Lãn Ông bày tỏ: Phụ nữ khi nằm chỗ (sinh đẻ), sự an nguy sống chết chỉ trong nháy mắt, chẳng khác gì một chiếc thuyền nan đang vượt biển khơi, chỉ khi nào cập bến mới là bình yên thực sự. Vì vậy mà người thầy thuốc không thể không phát huy sáng tạo nhằm phục vụ cho sinh mạng con người mình đang nắm trong tay… Điều đặc biệt là cho đến nay, những phương pháp, bài thuốc chữa bệnh của Hải Thượng Lãn Ông nói chung và trong 2 cuốn sách nêu trên vẫn còn giá trị, được các trung tâm chữa bệnh y học cổ truyền, cũng như các thầy thuốc nam áp dụng điều trị hiệu quả.
Trong tham luận gửi về Hội thảo khoa học “Một số vấn đề tiếp nhận và phát huy giá trị di sản Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" do tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức năm 2022, Bác sỹ chuyên khoa II, Phạm Thủy Phương - Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam bày tỏ rằng bà rất tâm đắc với 2 cuốn sách Phụ đạo xán nhiên và Tọa thảo lương mô. Bởi qua đây, một lần nữa cho thấy hình ảnh cao đẹp về sự uyên thâm y lý, y đức, sự tận tâm, lòng thương yêu người bệnh (trong đó có sự quan tâm thấu hiểu giới nữ) vô bờ bến của người thầy thuốc nơi Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Một trong những tác phẩm nữa thể hiện tinh thần đề cao vai trò nữ giới trong xã hội xưa của Lê Hữu Trác là Nữ công thắng lãm. Cuốn sách là những ghi chép về cách chế biến thức ăn và những ngành nghề mà phụ nữ nông thôn thường làm như: trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi, dệt vải... Cuốn sách được Lê Hữu Trác viết vào năm 1760, tuy nhiên đến năm 1971, Nhà Xuất bản Phụ nữ mới có bản dịch và xuất bản.
Tổng quan của cuốn sách nêu lên vai trò, ý nghĩa tốt đẹp của nữ công trong chế tạo các món ăn, nuôi tằm dệt lụa… làm ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống. Về phần món ăn, tác giả nêu ra công thức chế biến tổng cộng 152 món ăn được ghi chép lại cẩn thận, tỉ mỉ; trong đó, nhiều nhất là các món bánh với 82 loại, mứt 35 loại, xôi 16 loại, đồ ăn chay và tương mỗi thứ 9 loại.
Hầu hết các món ăn đều được Lê Hữu Trác hướng dẫn cụ thể, từ việc lựa chọn nguyên liệu ban đầu, cách sơ chế, ngâm tẩm, vệ sinh, bảo quản... Phương thức chế biến được viết khá đơn giản, dễ làm nhưng rất khoa học, có tính đại chúng cao. Vật liệu để làm ra các sản phẩm đều là những thứ gần gũi, gắn bó mật thiết với cuộc sống hằng ngày như lúa, ngô, khoai, sắn, đậu, lạc, vừng, đường... Điều đặc biệt trong công thức chế biến món ăn ở Nữ công thắng lãm là món ăn gắn với phục vụ chữa bệnh,bồi dưỡng sức khỏe tùy theo thể chất, bệnh tật mà mỗi người mắc phải…
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lĩnh – Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh) cho biết: “Nữ công thắng lãm không chỉ giúp người đọc hiểu biết thêm về các món ăn, nghệ thuật chế biến món ăn là vị thuốc mà còn cảm nhận được sự quan tâm của Lê Hữu Trác đối với công việc của người phụ nữ, sự sáng tạo tuyệt vời của phụ nữ Việt Nam. Việc viết ra cuốn sách cũng là sự hỗ trợ của ông dành cho nữ giới trong việc nội trợ… Điều đó cho thấy, tác giả hiểu, cảm thông đồng thời trân trọng vai trò của nữ giới trong xã hội bấy giờ. Đó là một cái nhìn tiến bộ, văn minh, nhân đạo trong xã hội phong kiến vốn xem thường vai trò của người phụ nữ".
Với tinh thần nhân đạo, quan tâm, đề cao vai trò người phụ nữ trong xã hội Việt Nam ở thế kỷ XVIII, thông qua các tác phẩm như: Phụ đạo xán nhiên, Tọa thảo lương mô, Nữ công thắng lãm, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác hoàn toàn xứng đáng được UNESCO vinh danh với tiêu chí quan trọng đã đề ra là "Bình đẳng giới".