Khi Tổng thống Trump tuyên bố điều nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson cách đây hơn 10 ngày đến bán đảo Triều Tiên, một số người lo ngại xung đột có thể xảy ra với Triều Tiên.
Tuy nhiên, nhiều người hoan nghênh hành động thể hiện sự mạnh mẽ này của Washington trong cam kết răn đe Triều Tiên. Trước đó, ông Trump đã chứng tỏ cứng rắn qua việc "dội" tên lửa ở Syria và thả "siêu bom" ở Afghanistan, cảnh báo rằng "không loại trừ giải pháp quân sự" với Triều Tiên.
Thế nhưng, sau khi báo chí Mỹ ngày 19/4 tiết lộ tàu Carl Vinson còn cách bán đảo Triều Tiên hàng nghìn km và thậm chí đi hướng ngược lại để ra Ấn Độ Dương, dư luận Hàn Quốc trở nên phẫn nộ vì cho rằng bị đồng minh Mỹ lừa dối và thao túng.
Tàu sân bay Carl Vinson ở Ấn Độ Dương cuối tuần trước. Ảnh: DOD. |
Người Hàn bực tức
Báo JooAng Ilbo ngày 19/4 đăng bài với tiêu đề "Lời nói dối của Trump về Carl Vinson", bình luận "ông Putin và Tập Cận Bình hẳn đang cười khoái chí về vụ này". Tờ báo còn chất vấn Mỹ "chẳng lẽ lại chơi trò qua mặt như Triều Tiên khi phô trương tên lửa mô hình trong các cuộc duyệt binh".
Tuy nhiên, diễn biến trên đặt ra một quan ngại khác: Liệu các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản có được thông báo hoạt động và địa điểm của tàu Carl Vinson? Và thông tin này có ảnh hưởng đến chiến lược của Mỹ để kiềm chế tham vọng hạt nhân Triều Tiên bằng những lời đe dọa rỗng?
Trước đây, các tàu sân bay Mỹ thường đến bán đảo Triều Tiên để tham gia tập trận cùng quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, khi hải quân Mỹ ngày 9/4 thông báo rằng tàu Carl Vinson rời Singapore để áp sát Triều Tiên, quyết định này được xem là vô cùng bất thường khi con tàu mới tham gia tập trận với Hàn Quốc hồi tháng trước.
"Chúng tôi đã điều động một hạm đội", Tổng thống Trump thông báo 10 ngày trước.
Vị trí của nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson cách bán đảo Triều Tiên tới gần 6.000 km. Đồ họa: SCMP. |
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận về hoạt động của tàu Carl Vinson. Tuy nhiên, những ý kiến chỉ trích nhanh chóng được thổi bùng khi chỉ đề Triều Tiên cũng là một vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới.
"Chẳng có lý do gì mà Hàn Quốc lại không biết rằng tàu Carl Vinson không ở gần bán đảo Triều Tiên hôm 15/4. Nhưng họ lại không lên tiếng và không làm gì cả để xoa dịu lo lắng, khi mà an ninh sẽ là một chủ đề quan trọng", Kim Dong Yub, một cựu sĩ quan hải quân và là chuyên viên tại Đại học Kyungnam (Seoul, Hàn Quốc), nói.
Quân đội Triều Tiên trong lễ duyệt binh ngày 15/4. Bình Nhưỡng được cho là sẽ thử hạt nhân vào ngày kỷ niệm sinh nhật của ông Kim Nhật Thành, nhưng sự việc đã không diễn ra. Ảnh: AP. |
Tất cả những ứng viên tổng thống Hàn Quốc đều khẳng định không kích phủ đầu của Mỹ sẽ gây ra chiến tranh diện rộng ở bán đảo Triều Tiên, vì Bình Nhưỡng đã cảnh báo sẽ đáp trả không khoan nhượng. Mỗi người đều ra sức thuyết phục cử tri rằng họ mới là người có khả năng duy trì hòa bình trên bán đảo.
Do vậy, sau khi biết được sự thật bẽ bàng về tàu sân bay Mỹ, ông Kim cho rằng toàn bộ sự việc này là lời nhắc nhở "Hàn Quốc bị ràng buộc trong liên minh với Mỹ như thế nào".
Chuyên gia Shin In Kyun, nhóm Mạng lưới Phòng thủ Hàn Quốc, nói: "Tình thế có vẻ kỳ quặc đối với quân đội Hàn Quốc khi phải lên tiếng và giải thích rằng họ biết ông Trump đang nói xạo. Nhưng cách làm này lại hiệu quả vì thực tế là Triều Tiên đã không thử hạt nhân".
Ảnh hưởng uy tín của Tổng thống Trump
Ông Kim Ky Baek, chủ biên trang Minjokcorea theo tinh thần chủ nghĩa dân tộc, nói phi vụ tàu Carl Vinson có thể làm xấu đi hình ảnh của Tổng thống Trump trong mắt người Hàn Quốc.
Phó tổng thống Mike Pence khi thăm Hàn Quốc đã tái khẳng định cam kết của Mỹ. Ảnh: AP. |
"Ông Trump có thể nói đây chỉ là một phần trong chiêu trò đánh lạc hướng. Nhưng nó tạo ra cảm giác rằng chính quyền Mỹ hiện nay vẫn thực sự chưa xác định ra cách đối phó với Triều Tiên, cũng như không có sự thông tin liên lạc hiệu quả", ông Kim nói.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng từ chối trả lời về vấn đề này trong cuộc họp báo ngày 19/4.
Tuy nhiên, giáo sư Hideshi Takesada (Đại học Takushoku), nói việc lực lượng Nhật Bản không biết tí nào về kế hoạch hoạt động của tàu Carl Vinson là điều không thể hiểu được. "Khi vấn đề liên quan đến Nhật Bản thì 2 bên lẽ ra phải liên lạc thường xuyên".
Ngày 8/4 tàu Carl Vinson rời Singapore và đến ngày 15/4 tàu ở gần Indonesia, ở phía nam, thay vì đến gần bán đảo Triều Tiên ở phía bắc như Trump tuyên bố. Đồ họa: New York Times. |
"Dù vụ việc là như thế nào, dù đây là sự báo tin sai lệch một cách chủ đích hay chỉ là hiểu lầm giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, thì nó cũng khá nghiêm trọng. Nó ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền Mỹ", chuyên gia Narushige Michishita (Viện Nghiên cứu Chính sách, Tokyo), nói.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tàu Carl Vinson mới thực sự bắt đầu hướng về bán đảo Triều Tiên và dự kiến đến nơi trong tuần tới.
Từ đây đến đó có ngày 25/4 cũng là một trong những dịp lễ lớn của Triều Tiên khi kỷ niệm ngày thành lập quân đội nước này. Do vậy, giới quan sát cho rằng Bình Nhưỡng cũng có thể sẽ tiến hành một hành động khiêu khích quan trọng, như thử hạt nhân lần 6.